Phân hóa giữa nhiệt điện và thủy điện
2017 là năm thành công đối với nhóm CP thủy điện nhờ lượng mưa đột biến khiến cơ cấu huy động điện thay đổi mạnh. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường huy động các nguồn điện dồi dào giá rẻ từ thủy điện, đẩy sản lượng các nhà máy thủy điện tăng 40,9%.
Trong khi đó giá bán điện bình quân của thủy điện đạt 913 đồng/kWh (giảm 9,3%) do ảnh hưởng từ giá điện thị trường giảm mạnh (giảm 26,4%). Do vậy, doanh thu nhóm thủy điện tăng bình quân 31,6% trong năm 2017. Đi cùng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận nhóm các công ty thủy điện rất ấn tượng trong năm 2017, tăng trưởng bình quân 29,3%.
Đơn cử CTCP Thủy điện Miền Trung (CHP) ghi nhận tăng trưởng lên đến 58,9% (đạt 410 tỷ đồng), CTCP Thủy điện Sông Ba (SBA) tăng 125% (đạt 136 tỷ đồng). Sản lượng điện sản xuất dồi dào dẫn dắt lợi nhuận dù giá bán điện giảm.
Phía ngược lại, EVN giảm huy động điện từ nhóm nhiệt điện do giá bán cao. Với nhóm này, giá nguyên vật liệu tăng (than tăng 7%, khí tăng 31,2%) được chuyển vào giá bán, giá bán điện bình quân 1.386 đồng/kWh (tăng 17%), nên doanh thu vẫn ghi nhận mức tăng 8,8% dù sản lượng điện huy động giảm 3,2%. Tuy nhiên, so với nhóm thủy điện, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm CP điện còn lại kém khả quan hơn.
Thậm chí, có doanh nghiệp còn tăng trưởng âm như trường hợp CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2). Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2017, sản lượng điện của NT2 giảm 17%, kéo theo lợi nhuận giảm 25,4% (đạt 810 tỷ đồng).
Tương tự, Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) ghi nhận mức lợi nhuận khiêm tốn 281 tỷ đồng do phải trích lập 1.111 tỷ đồng lỗ tỷ giá chưa thực hiện trong năm, dù lợi nhuận gộp tăng trưởng 22,7% (đạt 4.063 tỷ đồng). Ấn tượng nhất là Tổng công ty Điện lực dầu khí (POW) ghi nhận tăng trưởng lên đến 107% (đạt 2,233 tỷ đồng) nhờ Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng vận hành lại tổ máy sau sự cố nứt Turbine năm 2016.
Kỳ vọng cổ tức
Năm 2017, tình hình thủy văn chịu tác động mạnh của hiện tượng La Nina gây mưa làm cho lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm, từ đó giúp cho hoạt động kinh doanh của các công ty thủy điện thuận lợi. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết này đã kết thúc vào đầu năm 2018 và chuyển sang pha trung tính. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu thời tiết quốc tế của Đại học Columbia (Hoa Kỳ), xác suất xẩy ra hiện tượng thời tiết gây khô hạn là El Nino kể từ đầu năm 2019 xấp xỉ 70%.
Vì vậy, lượng mưa được dự báo sẽ giảm trong năm 2018 và tiếp tục giảm trong năm 2019. Lượng mưa giảm sẽ làm giảm sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện, giúp giá điện trên thị trường cạnh tranh cao hơn cũng như các nhà máy nhiệt điện được huy động nhiều hơn.
Như vậy, từ vị thế dẫn đầu của năm 2017, nhóm CP thủy điện nhiều khả năng sẽ nhường lại cho nhóm CP nhiệt điện. Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù dư địa tăng trưởng công suất còn hạn chế (tốc độ tăng trưởng công suất nguồn điện giai đoạn 2018-2020 chỉ 2,15%/năm, thấp hơn nhiều lần tăng trưởng phụ tải 10%/năm), nhưng rủi ro kinh doanh thấp, cổ tức cao khiến định giá của CP ngành điện hấp dẫn.
Các doanh nghiệp điện có rủi ro kinh doanh thấp nhờ các hợp động điện (PPA) dài hạn, đảm bảo lợi nhuận. Các doanh nghiệp chi trả cổ tức cao trong năm 2017 có thể kể đến như NT2 (3.000 đồng/CP), PPC (2.500 đồng/CP), SBA (1.800 đồng/CP). Mức chi trả này tương đương suất sinh lợi 8-10%/năm, cao gần gấp 2 lần so với mức tỷ suất ngân hàng và là tỷ lệ hấp dẫn để đầu tư hưởng cổ tức.
Nhóm các công ty như POW, PGV do thực hiện đầu tư các nhà máy điện mới nên áp lực trả nợ vay trong thời gian đầu lớn, chưa thực hiện trả cổ tức. Tuy vậy, dự báo các doanh nghiệp này sẽ gia tăng tỷ lệ chi trả cổ tức sau khi hoàn trả hết nợ.
Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp điện khá tương đồng nhau từ lúc xây dựng nhà máy. Phương án tài chính cho các nhà máy điện được phê duyệt, xác định giá bán điện trên cơ cấu nguồn vốn gồm 20-30% được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu, còn lại từ nợ vay.