Liệu diễn biến thị trường trái phiếu sẽ có những ảnh hưởng như thế nào đến thị trường cổ phiếu, vốn đang phục hồi sau thời gian giảm mạnh?
Lợi suất trái phiếu chính phủ thời gian qua đã tăng đáng kể so với những tháng đầu năm. Báo cáo phát hành ngày 15/8 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, lợi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp tiếp tục tăng đối với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm và 10 năm so với những tuần trước đó.
Trên thị trường sơ cấp, thống kê cho thấy lãi suất phát hành hiện nay đã tăng từ 0,4% – 1% ở các kỳ hạn từ 5 đến 15 năm so với mức đáy trong quý I vừa qua. Cụ thể ở kỳ hạn 5 năm, lãi suất phát hành tháng 2 và tháng 3 rớt về dưới 3%, thì hiện nay đã tăng lên 3,5% – 4%, kỳ hạn 7 năm tăng từ 3,4% lên 3,9%, kỳ hạn 10 năm tăng từ 4% lên 4,5% và kỳ hạn 15 năm tăng từ 4,4% lên 4,8%.
Chính vì lãi suất phát hành rơi về mức quá thấp trong giai đoạn trước khiến các tổ chức và ngân hàng không mặn mà tham gia thị trường trái phiếu, dẫn đến tỷ lệ thành công ở các phiên đấu thầu khá thấp. Như hồi tháng 4 chỉ đạt tỷ lệ 30%, tháng 5 là 37%, tuy nhiên kể từ tháng 6 trở lại đây, lợi suất tăng trở lại đã thu hút các nhà đầu tư tham gia tích cực hơn, theo đó tỷ lệ đấu thầu thành công tăng trở lại, giúp Chính phủ huy động vốn được nhiều hơn.
Dù vậy, lợi suất trên thị trường trái phiếu tăng cũng có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thị trường cổ phiếu. Đầu tiên, lợi suất trái phiếu tăng là một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy mặt bằng lãi suất có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Thực tế lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và huy động vốn tại một số ngân hàng đã tăng trong những tháng gần đây, cho thấy xu hướng lãi suất thấp dường như sắp kết thúc.
Khi lợi suất trái phiếu tăng, các phiên phát hành mới muốn thành công buộc phải có lãi suất đấu thầu đủ mức hấp dẫn. Và với lãi suất cao hơn sẽ kích thích các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại mua nhiều hơn, đã phần nào thể hiện từ tháng 6 trở lại đây. Từ đó thanh khoản ngân hàng sẽ giảm, lượng vốn vay dành cho các doanh nghiệp sẽ bị hạn chế, hoặc đòi hỏi lãi suất cho vay khách hàng phải cao hơn đáng kể so với lãi suất trái phiếu.
Các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu để huy động vốn cũng buộc phải nâng lãi suất theo lãi suất trái phiếu chính phủ đã tăng thì mới đủ sức hấp dẫn. Và dù theo hướng nào thì chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng tăng so với giai đoạn trước đó, dẫn đến hiệu quả sinh lời sẽ giảm, các mục tiêu mở rộng đầu tư hay sản xuất kinh doanh cũng bị hạn chế.
Đối với khách hàng cá nhân thì sẽ có khuynh hướng tiết kiệm nhiều hơn do lãi suất tiền gửi đã lên cao hơn theo mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu, từ đó hạn chế vay vốn, giảm tiêu dùng, dẫn đến sức cầu trong nền kinh tế giảm và lượng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng theo, càng tác động đến doanh thu và khả năng sinh lời của doanh nghiệp, khiến định giá cổ phiếu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng là tất yếu.
Lợi suất tăng đồng nghĩa với giá trái phiếu giảm, do đó có thể thu hút dòng tiền từ thị trường cổ phiếu đổ sang với kỳ vọng kiếm lời tốt hơn. Trái phiếu là một tài sản an toàn, nay cộng thêm lợi suất sinh lời cao thì càng thu hút nhà đầu tư.
Nhìn vào diễn biến thị trường Mỹ thời gian qua cũng thấy rằng, mỗi khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt qua mốc kháng cự 3%, thị trường cổ phiếu không chỉ của nước này mà thị trường khắp thế giới lập tức chịu áp lực sụt giảm.
Theo dự báo của giới chuyên gia tài chính thì nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức 3,5%, dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi sẽ bị đảo ngược và tình hình sẽ trở nên nguy hiểm đối với các nền kinh tế này.
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam đã có đợt phục hồi khá tốt trong thời gian qua, tuy nhiên đà tăng vẫn chưa cho thấy thật sự bền vững, bất chấp những dự báo đầy “màu hồng” của một số tổ chức và chuyên gia kinh tế.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng với giá trị bán ròng từ đầu tháng 8 đến ngày 17/8 là gần 1.600 tỷ đồng, trong khi tỷ giá vẫn nóng lên từng ngày, càng ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư.
Và nay với diễn biến lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng trở lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng suy giảm, cùng với mặt bằng lãi suất thị trường đi lên, thì con đường chinh phục trở lại những mốc cao trước đây có vẻ như ngày càng gập ghềnh đối với các chỉ số chứng khoán nói chung và giá các cổ phiếu nói riêng.