Sau năm 2017 và quý đầu năm 2018 ổn định, tỷ giá USD/VND đã tăng khá đáng kể từ cuối tháng 5/2018 đến nay. Cụ thể, tính tới ngày 20/7/2018, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.660 VND/USD, tăng hơn 1% so với thời điểm đầu năm. Theo đó, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại tăng bình quân hơn 1,5%. Đáng chú ý, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng hơn 2,5% so với thời điểm đầu năm.
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 4 năm trở lại đây, tỷ giá ghi nhận 3 đợt tăng khi VND mất giá, đó là vào năm 2015 (VND mất giá 5%), năm 2016 (VND mất giá 2%) và trong năm nay khi VND mất giá 1,5%.
VDSC cho rằng, so với năm 2016, rủi ro tỷ giá năm 2018 đang tăng dần và có diễn biến xấu do căng thẳng leo thang từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Ngân hàng Nhà nước đã dùng nhiều biện pháp để giữ mức phá giá của tiền đồng không quá 2% nhằm hạn chế tác động đến nền kinh tế cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi đã được kiểm soát trong năm nay, thì áp lực tỷ giá trong năm tới có được “hóa giải” hay không vẫn là câu hỏi ngỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng, dầu khí là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất do sự biến động của tỷ giá. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, cũng như biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá của mỗi doanh nghiệp.
Tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp vay USD hay nhập khẩu từ nước ngoài nhiều, nhưng không có nguồn thu từ USD. Ngược lại, nhóm doanh nghiệp có nguồn thu từ USD thì tác động sẽ ít hơn.
Chẳng hạn, CTCP Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) từng là một trong những doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng do tỷ giá tăng nếu nhìn vào quá khứ, nhưng theo Báo cáo tài chính chính quý II/2018 vừa công bố, kết quả kinh doanh của NT2 là khả quan với doanh thu 2.008 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 268 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính đạt 101 tỷ đồng, tăng hơn 5,7 lần so với cùng kỳ, đồng thời chi phí tài chính giảm hơn 76%, đạt 46,2 tỷ đồng. Theo giải trình của NT2, doanh thu tài chính tăng mạnh là do khoản lãi chênh lệch tỷ giá nhờ đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
Với Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT), bên cạnh khách hàng trong nước, đối tác vận chuyển của PVT còn có các công ty nước ngoài, trong đó giá cước dịch vụ được thanh toán bằng USD, giúp PVT đảm bảo nguồn thu từ USD. Đối với một số khoản nợ USD, PVT thực hiện cố định theo hợp đồng. Song, những khoản nợ không cố định sẽ chịu tác động của việc tỷ giá tăng.
Tương tự, biến động của tỷ giá được đánh giá không ảnh hưởng nhiều tới Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) do có nguồn thu từ USD. Tuy nhiên, việc tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí giá nguyên liệu tăng lên, gây áp lực đối với các doanh nghiệp trong việc kiểm soát chi phí.
Ngược lại, tại Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), việc tỷ giá tăng đang khiến Công ty gặp khó do nguồn thu hạn chế, bất chấp giá dầu đang trong xu hướng tăng. Lý do là bởi hoạt động khai thác của PVD chưa tích cực trở lại khi số lượng giàn khoan hoạt động trên thế giới vẫn đang trong tình trạng cung lớn hơn cầu, khiến giá thuê dịch vụ chịu sự cạnh tranh gay gắt.
Hiện tại, sau những lo ngại nguồn cung gia tăng sẽ hãm đà tăng giá dầu, động thái mới đây giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, khiến giá dầu tăng vọt trở lại. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu thô Brent thế giới đạt mức 71 USD/thùng.
Đây là yếu tố thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong ngành dầu khí Việt Nam, bởi mức giá này cao hơn 29% so với mức giá cơ sở tại kế hoạch kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp dầu khí đưa ra hồi đầu năm.
Với những diễn biến trên, nhà đầu tư có có sở để kỳ vọng giá cổ phiếu nhóm ngành dầu khí sẽ có thêm động lực hồi phục. Tuy nhiên, trên thực tế, những phiên hồi phục vừa qua, theo một số phân tích, chủ yếu là phục hồi về mặt kỹ thuật. Tại thời điểm tỷ giá bắt đầu nhích tăng từ cuối tháng 5 đến nay, diễn biến của hầu hết cổ phiếu trong ngành dầu khí là đi xuống.