Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN ghi nhận KQKD không mấy khả quan. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhóm cổ phiếu (CP) dầu khí diễn biến trái chiều trong mùa công bố KQKD quý II năm nay.
Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm (27 USD/thùng) vào thời điểm đầu năm 2016, do sự gia tăng mạnh mẽ sản lượng dầu đá phiến của Hoa Kỳ, cùng với nhu cầu yếu đi tại Trung Quốc. Sau đó, các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đồng ý cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày để vực lại giá dầu.
Thỏa thuận này đã được kéo dài nhiều lần và có hiệu lực cho đến cuối năm 2018. Gần đây, giá dầu Brent đã tăng khá mạnh và đạt mức 77,7 USD/thùng, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran – quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 trong khối OPEC. Tuy nhiên theo nhận định của giới phân tích quốc tế, lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ với ngành dầu lửa Iran có thể sớm đẩy giá dầu thế giới lên ngưỡng 90 USD/thùng, trong bối cảnh thị trường gia tăng nỗi lo về nguy cơ xảy ra một cú sốc nguồn cung.
Giá dầu liên tục phục hồi và vượt đỉnh, cùng với đó là sự tăng trưởng của ngành khai thác dầu khí, đã tác động tích cực lên KQKD của các DN dầu khí niêm yết. DN dầu khí đạt được lãi lớn trong quý II-2018 có thể kể đến Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) với doanh thu trong quý ghi nhận 20.028 tỷ đồng (tăng 22,8%), lợi nhuận sau thuế đạt 3.207 tỷ đồng (tăng 71,3%). Tương tự, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ khi doanh thu thuần đạt 32.901 tỷ đồng, lãi sau thuế thu về 2.211 tỷ đồng. Kết quả này lần lượt tăng 86,7% và 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, DN có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất ngành dầu khí trong quý II là Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT). Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý II, lợi nhuận sau thuế của PVT đạt 230 tỷ đồng (tăng 271%). Nguyên nhân do doanh thu thuần của PVT đạt 1.999 tỷ đồng (tăng hơn 46%), kết hợp với việc tiết giảm được chi phí phát sinh cùng với khoản lãi khác tăng đột biến hơn 69 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số DN trong ngành lại có KQKD không khả quan trong quý II và 6 tháng đầu năm 2018. Đáng chú ý là Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS). Theo BCTC quý II, PVS ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 4.301 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ 2017), nhưng với việc giá vốn hàng bán tăng 5% khiến lãi gộp của DN giảm mạnh 84%. Kết quả là lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 23 tỷ đồng (giảm 93,7%).
Một trường hợp nữa có thể kể đến Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD). Theo BCTC quý II, dù doanh thu thuần trong kỳ ghi nhận mức cao 1.655 tỷ đồng (tăng 70,3%), nhưng vì giá vốn hàng bán chiếm tới gần 97% trong doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ còn hơn 51 tỷ đồng (giảm gần 30%). Sau khi trừ chi phí phát sinh, PVD báo lỗ quý II gần 79 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 lỗ hơn 59 tỷ đồng). Tuy nhiên, DN có mức giảm lợi nhuận lớn nhất là Tổng CTCP Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (PVC). Cụ thể, doanh thu trong kỳ của PVC chỉ đạt 575 tỷ đồng (tương đương với 53,3% cùng kỳ năm 2017), lợi nhuận sau thuế DN sụt giảm đến 96,7% so với cùng kỳ, từ 27 tỷ đồng xuống chỉ còn 900 triệu đồng.
KQKD quý II đã có tác động trái chiều lên nhóm CP dầu khí trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Cụ thể, nhóm CP ghi nhận mức tăng ấn tượng nhất có thể kể đến như: GAS tăng 32% (từ 74.000 đồng/CP lên 98.000 đồng/CP), PVT tăng 21% (từ 14.400 đồng/CP tăng lên 17.500 đồng/CP), BSR tăng 28% (từ 14.100 đồng/CP lên 18.200 đồng/CP). Phía ngược lại, tính từ đầu năm 2018 đến nay, PVC ghi nhận mức giảm lên đến 50%. Tương tự, 2 mã PVD và PVS ghi nhận mức giảm khoảng 30%.