Phiên giao dịch này 31/7, TTCK tiếp tục có phiên tăng điểm nhẹ thứ 4 liên tiếp, VN-Index tăng 6,66 điểm (0,7%) lên 956,39 điểm; UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,38%) đóng cửa ở mức 50,48 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,6 điểm (0,56%) xuống còn 106,16 điểm. Giá trị khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 20% so với phiên giao dịch trước đó.
Nhưng theo các chuyên gia, dòng tiền chỉ tập trung vào một số mã trụ lớn như PVX, GAS, VCB chứ không lan tỏa toàn thị trường. “Việc thanh khoản thị trường tăng nhưng chỉ tập trung vào một vài trụ lớn kèm theo những mã khác lại đỏ chứng tỏ đây là phiên mà các NĐT chốt lời rất nhiều. Có thể sau phiên này, TTCK sẽ có điều chỉnh ít nhất một hai phiên sau đó mới phục hồi trở lại”, một chuyên gia phân tích.
Diễn biến của cổ phiếu ngân hàng đã có sự phân hóa trong phiên chiều. TCB tăng gần trần, vượt qua VCB trở thành mã đóng góp nhiều nhất cho chỉ số khi tăng 1.200 đồng/CP. NVL đảo chiều từ đỏ sang xanh và cùng với MSN, PLX, BVH là những mã giúp cho thị trường có phiên tăng điểm.
Ở chiều ngược lại, BID lùi về mốc tham chiếu trong khi CTG, VPB, STB, MBB đều giảm giá. Trên sàn HNX, ACB và SHB cũng giảm giá khiến nhóm ngân hàng trở thành áp lực của chỉ số trong phiên. SAB, BHN đóng cửa ở mức giá giảm nhưng đã có sự hồi phục ở cuối phiên. Nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh kém khả quan như PVS, HBC, VJC cũng giảm điểm so với phiên trước.
Điểm tích cực là trong phiên ngày 31/7, giá dầu thế giới tăng hơn 1%. Đây là thông tin tốt cho nhóm dầu khí như: PVS, PVD, GAS, PVX POW, OIL, PSG tăng điểm. Thông tin lợi nhuận quý II đã được các công ty công bố chỉ giúp cho VN-Index không rơi tiếp chứ không kích thích được dòng tiền lớn vào thị trường. “Dòng tiền lớn đã thoát khỏi các trụ lớn và chuyển sang ngành dệt may”, một chuyên gia nhận định.
Cùng đó, nhóm dầu khí cũng đang được hưởng lợi và thu hút được dòng tiền khi giá dầu thế giới đang có chiều hướng gia tăng. Hiện tại thị giá nhóm này đang ở đáy trong vòng 2 -3 năm trở lại đây. PVS, PVD chưa bao giờ về mức giá 17.100 đồng/CP và 13.200 đồng/CP như hiện nay. Trong khi đó, triển vọng giá dầu rất khả quan, khi đó các cổ phiếu dầu khí chắc chắn sẽ chạy rất mạnh.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 70 tỷ đồng trên HoSE, lực bán chủ yếu tập trung ở VIC khi khối ngoại xả gần 1 triệu cổ phiếu này, tương ứng mức bán ròng 104 tỷ đồng. NVL, VRE, MSN cũng lần lượt bị bán ròng với giá trị tương ứng 25,359 tỷ đồng, 24,851 tỷ đồng và 13,756 tỷ đồng…
Giải mã tình trạng khối ngoại chỉ tập trung bán ròng mã VIC, một số chuyên gia cho biết mã này khi với thị giá 40.000 đồng/CP đang được rất nhiều quỹ nắm giữ với tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư. Nay thị giá của mã này đã lên tới hơn 110.000 đồng/CP, để tránh rủi ro, các quỹ bán ra để giá trị danh mục giữ lại chỉ từ 10-15% thay vì từ 20-30%.
“Khi nắm giữ tỷ trọng lớn mà VIC bị giảm sàn hoặc giảm điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị danh mục của quỹ. Chính vì thế khối ngoại vẫn cứ bán đi để cơ cấu danh mục về mức an toàn”, một chuyên gia lý giải và cho biết, tính trên diện rộng, thị trường đang ở vùng đáy nên khối ngoại đang trong tình trạng gom ròng về khối lượng.
Minh chứng là phiên giao dịch ngày 31/7, khối ngoại đã mua ròng SSI gần 2,3 triệu cổ phiếu với giá trị gần 66,5 tỷ đồng. HDB mua ròng gần 17,6 tỷ đồng, HPG 17 tỷ đồng, VCB, BID hơn 16 tỷ đồng… trên HNX, khối ngoại mua ròng VGC, SHS, DGL… Đây là tín hiệu tích cực với TTCK hiện nay.
Nhìn nhận về xu hướng ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng, với diễn biến phiên giao dịch ngày 31 và những phiên đã qua, TTCK có thể sẽ điều chỉnh trong 2 -3 phiên tới và sau đó sẽ tăng, tuy nhiên mức tăng không ở biên độ mạnh như thời gian trước mà sẽ tăng nhẹ từ 5-7 điểm/phiên. Việc tăng điểm sẽ không tập trung vào các trụ lớn mà tăng ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, dòng MIDCAP, dòng dầu khí, dệt may… là dòng cổ phiếu có mức vốn hóa thị trường rất nhỏ nên tác động rất ít đến thị trường.
“Tuy nhiên, việc tăng từ từ như vậy lại có điều rất hay là bền vững. Với NĐT, nếu tăng nhẹ kéo dài như vậy thì rất có thể sẽ thu hút thêm được dòng tiền vào thị trường. Còn tăng nóng và giảm sâu sẽ khiến NĐT hoảng sợ và không dám tham gia thị trường”, một chuyên gia cho hay.