Trên đà lao dốc
Kể từ cuối tuần trước cho tới nay, giá cổ phiếu của nhóm FAANG đều đi xuống, với chỉ số FAANG giảm 2,5% trong phiên đầu tháng 8, đánh dấu 3 phiên giảm liên tiếp với mức giảm khoảng hơn 9%. FAANG là từ viết tắt đại diện cho nhóm 5 cổ phiếu công nghệ đình đám trên thị trường, bao gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google), với giá trị thị trường hơn 3.000 tỷ USD.
Trong đó, cổ phiếu Facebook giảm thêm 3,3% trong phiên đầu tháng 8, sau khi giảm 19% trong phiên giao dịch cuối tuần trước, khiến giá trị thị trường của Công ty giảm gần 130 tỷ USD chỉ trong 1 ngày. Diễn biến này xảy ra sau khi Facebook công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2018 đáng thất vọng.
Đứng thứ hai trong danh sách giảm giá là Netflix Inc, khi giá cổ phiếu giảm khoảng 5,3% trong tuần này, kéo đà giảm lên hơn 11%. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng lượng thuê bao của mạng lưới TV online trả tiền lớn nhất thế giới này chậm hơn trong quý II.
Các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là nhóm FAANG, đã là “con cưng” của giới đầu tư kể từ thời điểm các chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ bắt đầu năm 2016 cho tới nay. Tuy nhiên, sự ưu ái nhanh chóng biến mất khi giới đầu tư quay lưng quá vội vã.
“Tâm lý nhà đầu tư trở nên u ám đối với FAANG, nhất là sau thông tin về lợi nhuận của nhóm này. Các ông lớn công nghệ đang kéo tụt các chỉ số chứng khoán”, Michael Antonelli, Giám đốc – chuyên gia giao dịch chứng khoán tại Robert W. Baird & Co cho biết.
Đà bán tháo nhóm FAANG đã khiến Chỉ số Công nghệ thông tin S&P 500 giảm 5,2%, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 3 ngày kể từ tháng 3/2018. Đi kèm với đó, giá trị thị trường của các doanh nghiệp thuộc Chỉ số đã giảm từ 6.600 tỷ USD xuống 6.300 tỷ USD kể từ khi Facebook công bố kết quả hoạt động ngày 25/7 cho tới nay.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đã rút ít nhất 2,4 tỷ USD khỏi các quỹ ETF có trọng tâm vào cổ phiếu công nghệ trong tuần trước, cao gấp 3 lần dòng tiền rút ra khỏi bất kỳ lĩnh vực nào.
Lực đỡ hiếm hoi
Trong khi rất nhiều nhà đầu tư vội vã bán tháo hoặc tỏ ra lo ngại về triển vọng của cổ phiếu công nghệ, Goldman Sachs trở thành tổ chức duy nhất vẫn duy trì cái nhìn tích cực và cổ vũ đầu tư vào những doanh nghiệp ngành này.
“Giới đầu tư cần chú ý rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang bắt đầu chậm lại so với mức 4% đề ra, trong khi lĩnh vực công nghệ vẫn đang ở giai đoạn đỉnh cao. Đó là bởi khu vực này có mối liên kết không quá chặt chẽ với diễn biến kinh tế, sở hữu những lợi thế vượt trội về sáng tạo, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn”, báo cáo mới nhất của Goldman Sachs cho biết.
Bên cạnh đó, trong Top 10 cổ phiếu thuộc S&P 500 có tỷ suất lợi nhuận cao nhất, 7 cổ phiếu thuộc về nhóm công nghệ và thực tế, con số này là 9 bởi Amazon và Netflix vẫn đang được nhà đầu tư định dạng là cổ phiếu lĩnh vực tiêu dùng.
Chưa kể, không ít lần lịch sử chứng minh rằng, nhóm cổ phiếu công nghệ sở hữu sức bật lớn sau đà lao dốc mạnh. Theo thống kê từ khủng hoảng tài chính tháng 3/2009 tới nay, có 5 lần thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh ít nhất 1% mỗi phiên trong 3 phiên liên tiếp, mà dẫn đầu đà giảm là nhóm cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên sau đó, khi thị trường phục hồi, cả 5 lần nhóm công nghệ đều tiên phong với đà tăng hơn 5%.
Thực tế, hiện tại, các cuộc tranh luận đều đang xoay quanh việc liệu giới đầu tư có đang gỡ bỏ tài sản đầu tư tiềm năng một cách quá vội vã hay không? Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều các công ty công nghệ cần làm hiện tại là đưa ra những thông tin tích cực để trấn an nhà đầu tư. Đặc biệt, đầu những năm 2000, cả thế giới đã từng chứng kiến bong bóng “dotcom” vỡ như thế nào.