Theo hãng tin Reuters, trong suốt quãng thời gian chứng khoán Mỹ duy trì trạng thái thị trường giá lên (bull market) những năm qua, cổ phiếu công nghệ là một trong những nhóm cổ phiếu ngành dẫn đầu xu hướng đi lên của thị trường.
Tuy nhiên, gần đây, nhóm này chịu sức ép giảm giá mạnh do lo ngại chính phủ sẽ siết chặt kiểm soát hoạt động của các hãng công nghệ lớn, một mặt do tốc độ tăng trưởng quá nhanh của những công ty như vậy, mặt khác do vụ bê bối bảo mật của mạng xã hội Facebook.
“Thị trường đang ở trong tình trạng không biết điều gì có thể xảy đến”, ông Peter Kenny, chiến lược gia thị trường cao cấp thuộc Global Markets Advisory Group ở New York, phát biểu. “Có vẻ như mọi chuyện đều để mở, có nhiều rủi ro, và các nhà đầu tư không thích thú gì sự bấp bênh. Mà đây chính là định nghĩa của sự bấp bênh”.
Cổ phiếu Facebook giảm 4,9% trong phiên này, còn 152,22 USD/cổ phiếu, nâng tổng mức giảm từ đầu tháng lên 15%. Nhóm cổ phiếu Internet thuộc chỉ số Nasdaq có mức giảm phần trăm trong một phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2016.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu lớn thuộc chỉ số S&P 500, chỉ có một só nhóm như hàng tiêu dùng, viễn thông, bất động sản, điện nước là kết thúc phiên trong trạng thái tăng điểm.
Chỉ số Dow Jones khép lại ngày giao dịch với mức giảm 1,43%, còn 23.857,71 điểm. S&P 500 hạ 1,73%, còn 2.612,62 điểm. Nasdaq mất 2,93%, còn 7.008,81 điểm.
Kể từ khi lập kỷ lục vào hôm 26/1, chứng khoán Mỹ đã “vật lộn” với một loạt yếu tố bất lợi, bao gồm nỗi lo lạm phát gia tăng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất, và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. So với đỉnh cao đó, S&P 500 hiện đã giảm 9,1%.
Hôm thứ Hai, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro xác nhận rằng các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Trung Quốc một loạt nội dung bao gồm: cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xe hơi Mỹ, tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty dịch vụ tài chính Trung Quốc, và tăng nhập khẩu thiết bị bán dẫn do Mỹ sản xuất.
Đây là các biện pháp mà Mỹ muốn Trung Quốc thực thi để tránh việc Mỹ đánh thuế mạnh hàng Trung Quốc, theo đó tránh chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Nguồn thạo tin nói đây là vài trong số những đề xuất mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đưa ra trong quá trình tìm cách đàm phán với Bắc Kinh.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015, khi giới đầu tư hy vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề thuế quan và mất cân đối thương mại.
Tuy nhiên, sự tăng điểm đó không duy trì được lâu, khi nỗi lo về cổ phiếu công nghệ quay trở lại và phủ bóng lên thị trường trong phiên ngày thứ Ba.
Cổ phiếu Facebook tiếp tục là nguồn áp lực giảm giá mạnh nhất đối với nhóm công nghệ – nhóm cổ phiếu giảm 5,2% trong tháng 3 này, trên đà hoàn tất tháng giảm tệ nhất kể từ tháng 4/2016.
Nỗi lo về bảo mật thông tin người dùng trên Facebook càng gia tăng vào ngày thứ Ba, khi quan chức của một cơ quan giám sát nói rằng công ty AggregateIQ của Canada đã phát triển phần mềm nhằm vào các cử tri Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Để phát triển được một phần mềm như vậy, đương nhiên phải có một lượng dữ liệu cá nhân lớn.
Cổ phiếu Alphabet giảm 4,5% phiên này, sau khi tòa án phúc thẩm khôi phục một vụ kiện bản quyền trị giá nhiều tỷ USD mà hãng phần mềm Oracle nhằm vào công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google.
Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia giảm 7,8% sau khi công ty tuyên bố tạm dừng các cuộc thử nghiệm xe không người lái.
Cổ phiếu Tesla “bốc hơi” 8,2% sau khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) mở một cuộc điều tra nhằm vào vụ tai nạn gây chết người của một chiếc xe Tesla vào tuần trước.
Cổ phiếu Twitter sụt 12% sau khi Citron Research gọi đây là cổ phiếu có khả năng chịu tổn thất nhiều nhất nếu các quy định về bảo mật được siết chặt.
Trên sàn NYSE, cứ 2,12 cổ phiếu giảm giá phiên này mới có 1 cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ cổ phiếu giảm-tăng giá là 3,36-1.
Có tổng cộng 7,57 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch ở Phố Wall “sang tay” trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, so với khối lượng giao dịch bình quân 7,37 tỷ cổ phiếu của 20 ngày giao dịch gần nhất.