Sóng cổ phiếu có “game” phát hành
Bối cảnh thị trường chứng khoán đang thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch phát hành tăng vốn của các doanh nghiệp. Theo thống kê sơ bộ, trong vòng hơn nửa năm qua, có khoảng 15 doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn qua sàn niêm yết và UPCoM.
Mùa đại hội cổ đông năm nay đang tiếp tục chứng kiến nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành mới, bao gồm tìm kiếm đối tác chiến lược và phát hành cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động thêm vốn phục vụ nhu cầu đầu tư và sản xuất – kinh doanh.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia IDI (IDI) đang lên kế hoạch phát hành cho đối tác chiến lược. Kế hoạch này dựa trên đề xuất từ đối tác, một khách hàng của Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực phân phối thực phẩm.
Nhà đầu tư này mong muốn được tham gia vào IDI để hoàn thiện chuỗi cung ứng của họ. Giá phát hành hiện chưa chốt, nhưng theo đề xuất của đối tác, mức giá sẽ không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.
Thông tin về kế hoạch phát hành đã tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu IDI trên sàn chứng khoán. Chốt phiên 21/3/2018, cổ phiếu này đóng cửa ở mức 14.500 đồng/cổ phiếu sau một thời gian dài nằm dưới mệnh giá, với mức đáy là 3.700 đồng/cổ phiếu trong năm 2017.
Tình hình cũng tương tự tại CTCP Đầu tư Nam Long (NLG). Đầu tháng 2, NLG đã công bố chủ trương chào bán 31,4 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 (cổ đông nắm 5 cổ phiếu có quyền mua 1 cổ phiếu) với giá 18.000 đồng/cổ phiếu.
Thị giá cổ phiếu khi đó là 25.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 28/2 vừa qua, NLG đã tiến hành chốt danh sách cổ đông nhận quyền mua và từ ngày 9/3 đến 26/3 là thời gian cổ đông chuyển nhượng quyền mua. Cổ phiếu này đã có mức tăng mạnh kể từ thời điểm thông tin về đợt phát hành được công bố.
Kết thúc phiên 21/3/2018, cổ phiếu NLG tăng lên mức 35.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 40% so với thời điểm công bố chủ trương phát hành.
Trước đó, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PC1) hồi tháng 10/2017 đã phát hành thành công hơn 17,6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 15,25% vốn điều lệ sau phát hành, với giá bán 30.000 đồng/cổ phiếu.
Từ lúc thông qua chủ trương tăng vốn tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4/2017, cổ phiếu này đã tăng liên tục từ mức 28.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất 40.000 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh về 33.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Có thể thấy, thông tin về kế hoạch phát hành tăng vốn của nhiều doanh nghiệp đã tạo hiệu ứng tích cực cho thị giá cổ phiếu, nhờ kỳ vọng của giới đầu tư vào giá cổ phiếu có cơ hội tăng tiếp trong bối cảnh chỉ số chứng khoán trong xu hướng đi lên.
Đầu tư theo sóng, cơ hội song hành rủi ro
Thực tế thị trường cho thấy, sau đợt phát hành cho nhà đầu tư chiến lược của PC1 hồi đầu tháng 10, dù cổ phiếu được pha loãng, nhưng thị giá vẫn duy trì ở mức 35.000 – 40.000 đồng/cổ phiếu trong một thời gian dài, trước khi về vùng giá 33.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.
Đà tăng của thị giá cổ phiếu PC1 tất nhiên có lực đỡ từ kế hoạch kinh doanh tăng trưởng tích cực sau khi tăng vốn. Theo PC1, năm 2018, Công ty dự kiến mức lợi nhuận sau thuế 508 tỷ đồng, tăng hơn 114% so với năm 2017; thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 4.400 đồng, tương ứng P/E dự phóng 7,7 lần, tương đối thấp so với mặt bằng chung thị trường và vị thế đầu ngành của Công ty.
Hay như IDI, với lợi thế nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn được xem thủ phủ cá tra của Việt Nam, tình hình tăng trưởng khả quan của thị trường xuất khẩu trong những năm gần đây, đặc biệt là sự nổi lên của thị trường Trung Quốc đã giúp Công ty đạt kết quả kinh doanh 2017 ấn tượng với doanh thu đạt 5.330 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 354 tỷ đồng, tăng lần lượt 31,8% và 255% so với năm 2016.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, IDI cho biết, năm 2018, Công ty dự kiến đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với mức lợi nhuận này, EPS dự phóng 2018 của IDI ở mức 3.300 đồng, tương đương P/E 3,3 lần ở thị giá hiện nay. Nhà đầu tư vẫn còn cơ sở cho kỳ vọng thị giá cổ phiếu này tăng tiếp.
Tuy nhiên, việc đua theo các sóng cổ phiếu có “game” phát hành cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Cổ phiếu CCL của Công cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (CCL) từng nổi lên như hiện tượng “quán quân tăng giá” trong tháng 6/2017, khi tăng một mạch từ hơn 3.000 đồng/cổ phiếu lên gần 8.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 tháng sau thông tin doanh nghiệp phát hành 9,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ.
Có thời điểm cổ phiếu này tăng lên hơn 9.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đợt phát hành, cổ phiếu này lại rơi tõm về vùng giá 4.000 – 4.500 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân chính vẫn là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp không tương xứng với quy mô của doanh nghiệp.
Năm 2017, doanh thu CCL đạt 98 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 25,7% và 131% so với năm 2016. Với mức lợi nhuận này, dù thị giá ở mức “trà đá”, nhưng cổ phiếu CCL đang được định giá ở mức P/E… 20 lần.
Việc phát hành tăng vốn, về lý thuyết, giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn, mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, mở ra cơ hội gia tăng giá trị cổ phần của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần có sự đánh giá kỹ lưỡng về triển vọng từ các kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp để không đặt mình vào tình thế may rủi “5 ăn 5 thua” khi đu theo sóng tăng vốn của doanh nghiệp trên sàn.