Chỉ mới lên sàn Upcom từ 15/6/2018, cổ phiếu CEN của CTCP Dịch vụ Hàng không Cencon Việt Nam (Cencon) lập tức trở thành cái tên thu hút sự chú ý của giới đầu tư với chuỗi tăng giá “phi mã”.
Kết thúc phiên giao dịch 7/8, tức gần 2 tháng sau khi lên sàn, thị giá CEN đã lên tới 180.700 đồng/cp, gấp hơn 17 lần so với giá chào sàn là 10.400 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Cencon đạt gần 237 tỷ đồng.
Việc tăng giá “phi mã” thời gian qua đã giúp CEN trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất Upcom và là cổ phiếu có thị giá lớn thứ 3 trên TTCK Việt Nam, chỉ xếp sau YEG (194.000 đồng) và SAB (199.000 đồng).
Đà tăng chóng mặt của cổ phiếu CEN đã khiến không ít nhà đầu tư trên thị trường cảm thấy lo ngại bởi đây là doanh nghiệp mới lên sàn, cũng như hoạt động kinh doanh không thực sự đạt hiệu quả cao.
Lên kế hoạch tăng vốn gấp 23 lần, quý 1 lãi vỏn vẹn 260 triệu đồng
CTCP Dịch vụ Hàng không Cencon Việt Nam tiền thân là CTCP Thành Thái được thành lập vào năm 2015 với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng và tăng lên hơn 13 tỷ đồng vào năm 2017. Hoạt động chính của Công ty là kinh doanh các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thiết bị vật tư y tế và một số sản phẩm ngành vật liệu xây dựng.
Năm 2016, công ty chưa ghi nhận doanh thu, nhưng đến năm 2017, Cencon đạt doanh thu hơn 80 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn chiếm gần hết doanh thu bán hàng khiến lợi nhuận chỉ đạt vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng. Tổng tài sản Cencon tính đến cuối năm 2017 đạt hơn 21 tỷ đồng.
Sang năm 2018, Cencon đặt mục tiêu doanh thu tăng gấp đôi lên 160 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 19 tỷ đồng và 15 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 5%.
Theo kế hoạch, Cencon sẽ tập trung phát triển khách hàng truyền thống ở mảng vật liệu xây dựng, phát triển thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu đối với nhóm thực phẩm đông lạnh và hàng tiêu dùng. Đồng thời, tiếp cận các bệnh viện lớn để cung cấp các thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, Cencon cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 299 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần so với hiện tại nhằm mục đích mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực khác. Theo đó, Cencon sẽ đầu tư thêm mảng hoạt động trồng rừng, nông sản và dược liệu. Tiếp tục mở rộng vùng trồng nguyên liệu ở Hà Giang và mở rộng sang Cao Bằng, Lai Châu với mục tiêu trong 5 năm tới có khoảng 10.000 ha trồng nguyên liệu dược, có từ 3-5 nhà máy chế biến các sản phẩm nam dược.
Tính đến thời điểm ngày 31/03/2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Cencon lần lượt đạt 23,5 tỷ đồng và 260,5 triệu đồng, thực hiện được 14,7% và 1,7% kế hoạch năm đề ra.
Liên quan mật thiết với cổ phiếu “cọng hành” Top One (TOP)
Khi mới thành lập, Cencon có vốn điều lệ 3 tỷ đồng, trong đó các cổ đông sáng lập là ông Vũ Thái (40%), ông Đỗ Xuân Long (30%) và bà Lương Thị Lệ Hiền (30%). Tuy vậy, trong năm 2017, các cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng phần vốn góp cho ông Nguyễn Tiến Thành, Lương Quang Hiệp và bà Mạc Thị Ngọc Hoa. Ngoài ra, Cencon còn phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu tăng vốn cho bà Trần Ngọc Mai, qua đó nâng vốn điều lệ công ty lên 13 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý, các thành viên sáng lập của Cencon đều là nhân vật chủ chốt tại CTCP Phân phối Top One (Mã CK: TOP). Trong đó, ông Vũ Thái từ ngày 1/1/2017 đến 25/10/2017 vừa là Chủ tịch HĐQT Cencon vừa là thành viên HĐQT Top One. Tương tự, ông Đỗ Xuân Long cũng là thành viên HĐQT Top One.
Trong năm 2017, Cencon cũng phát sinh hơn 22 tỷ đồng doanh thu với Top One. Ngoài ra, còn phát sinh 2,5 tỷ đồng với CTCP Đầu tư DGG cũng do ông Vũ Thái là Thành viên HĐQT.
Có thể thấy, Cencon có mối liên hệ khá mật thiết với Top One, dù rằng các thành viên HĐQT của Top One đã thoái vốn trước khi lên sàn.
Được biết, Top One đã có không ít “tai tiếng” kể từ khi lên sàn Upcom năm 2015 với những biến động “dị thường” của cổ phiếu, cũng như những vụ việc xử phạt vi phạm thuế. Theo đó, cổ phiếu này sau vài phiên chào sàn tăng trần liên tục và tạo đỉnh tại vùng 17.000 đồng/cp đã liên tục điều chỉnh. Kết thúc phiên giao dịch 7/8/2018, thị giá TOP chỉ còn vỏn vẹn 1.000 đồng/cp, mức giá chỉ mua được…cọng hành.