Ngành cảng biển, logistics Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế quốc gia, dòng vốn FDI chảy vào tích cực và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển, vận tải biển Việt Nam và nước ngoài, để soạn thảo Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam theo hướng tăng giá nhằm tiếp cận dần với mức giá chung của khu vực và thế giới.
Cổ phiếu bứt phá
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện khung giá dịch vụ tại Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Dự kiến, thông tư này sẽ được phê duyệt bởi Bộ GT-VT và có hiệu lực từ 1/1/2019.
Theo đó, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa có thể sẽ giảm sâu đối với các loại container phổ biến cỡ 20ft và 40ft.
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất sẽ được điều chỉnh tăng theo hai phương án: tăng 10% so với khung giá hiện hành đối với các cảng không thuộc khu vực Lạch Huyện, giữ nguyên giá dịch vụ đối với các cảng tại khu Lạch Huyện; hoặc giá dịch vụ được điều chỉnh tăng dần theo từng năm, lộ trình đến 2021.
Ngoài ra, khung giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ được điều chỉnh tăng 10% từ 46 USD/cont 20 ft, 68 USD/ cont 40 ft, 75 USD/cont > 40 ft lên lần lượt là 52 USD, 77 USD và 85 USD.
Đón nhận những thông tin tích cực của dự thảo điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển, cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này đã bứt phá mạnh mẽ trong những phiên giao dịch gần đây.
Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch ngày 5/10, trong khi hàng trăm mã cổ phiếu trên thị trường quay đầu giảm giá, trong đó các mã lớn cũng gia tăng biên độ giảm, khiến thị trường lao dốc mạnh, chỉ số Vn-Index mất mốc 1.010 điểm thì các mã cổ phiếu nhóm ngành cảng biển lại đồng tăng giá.
Chốt phiên giao dịch, cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept ghi nhận phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp lên 28.350 đồng/cp từ mức 26.400 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu VSC của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship) cũng tăng giá 3 phiên liên tiếp từ phiên giao dịch 3/10 lên mức 45.000 đồng/cp, ghi nhận mức tăng đạt gần 7,7%.
Nếu tính từ giữa tháng 9 tới nay, VSC đã ghi nhận mức tăng gần 13,1% từ mức giá 39.800 đồng/ cp (phiên 14/9).
Thậm chí, cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An còn ghi nhận mức giá trần 14.200 đồng/cp, tương đương mức tăng đạt gần 11% trong vòng 1 tháng qua.
Trước phiên tăng trần này, cổ phiếu HAH đã có một phiên điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm nhẹ chỉ 0,75% .
Ngoài ra, cổ phiếu DXP của CTCP Cảng Đoạn Xá cũng ghi nhận mức tăng trần lên 11.800 đồng/cp; cổ phiếu DVP của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ cũng ghi nhận mức tăng gần 5% lên 49.200 đồng/cp; cổ phiếu PDN của CTCP Cảng Đồng Nai cũng tăng 1,2% lên 66.000 đồng/ cp sau phiên điều chỉnh trước đó.
Sự bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu nhóm ngành này là do phản ứng với những thông tin tích cực từ Dự thảo thay đổi khung giá dịch vụ cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với tương lai của các doanh nghiệp thuộc địa phận được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hoạt động kinh doanh, một số cổ phiếu trong nhóm tăng giá không chỉ bởi yếu tố thị trường hay đến từ một thông tin hỗ trợ.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), thông tư có thể giúp các cảng tại Hải Phòng hưởng lợi nhưng các cảng thượng nguồn ở sông Cấm có thể sẽ không hưởng lợi nhiều từ thông tư này do sự sụt giảm về cơ cấu container xuất nhập khẩu.
Ổn từ nội tại
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Gemadept ghi nhận mức doanh thu đạt 1.287 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, khoản doanh thu tài chính đạt 1.542 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận sau thuế ghi nhận con số “đột biến” 1.554 tỷ đồng, tăng 574,2% so với cùng kỳ năm 2017 (230,5 tỷ đồng).
Vừa qua, Gemadept đã thực hiện việc chi trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông bằng tiền tỷ lệ 15%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận về 1.500 đồng.
Với gần 297 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Gemadept sẽ phải chi ra 445,5 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức lần này. Trước đó, Gemadept cũng thực hiện chi trả cổ tức năm 2016 cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 80%.
Quy mô nhỏ hơn nhưng Viconship cũng có kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 tươi sáng không kém gì Gemadept.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Viconship đạt 796 tỷ đồng tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Vừa qua, Viconship cũng thực hiện chi trả cổ tức đợt 1/2018 cho cổ đông bằng tiền tỷ lệ 10% (tương đương 1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng).
Những doanh nghiệp khác thuộc nhóm ngành cảng biển cũng liên tục trả cổ tức bằng tiền mặt với mức cao từ 10% trở lên trong nhiều năm như: Cảng Đình Vũ, Cảng Đồng Nai…
Do đó, chúng ta có thể thấy, việc liên tiếp trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt đã thể hiện được phần nhiều “sức khỏe” của doanh nghiệp đó.
Hơn nữa, về triển vọng ngành, với hơn 49 cảng lớn nhỏ, hệ thống cảng biển của Việt Nam trải dài từ Nam ra Bắc, trong đó, nhờ vị trí chiến lược thuận lợi tại miền Bắc, khu vực cảng Hải Phòng sở hữu nhiều cảng quy mô lớn và tại miền Nam là khu vực Đông Nam bộ với một số địa điểm như Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải.
Bên cạnh hoạt động khai thác cảng, các hoạt động khai thác logistics cũng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.