Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 27.100 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS)
Trong năm 2020, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HNX) cũng đã dự kiến thoái 51% vốn góp tại ACBS, chúng tôi kỳ vọng thương vụ này có thể đem về cho ACB khoảng từ 600 tỷ cho đến 1.000 tỷ lợi nhuận.
Mặc dù vậy, chúng tôi sẽ chưa đưa giả định này vào trong mô hình định giá do chưa có thông tin chính thức về việc này.
Bên cạnh đó, ACB cũng đã có tờ trình ĐHCĐ về việc chuyển giao dịch lên HOSE. 2 yếu tố kể trên có thể giúp diễn biến giao dịch của ACB trở nên hấp dẫn hơn trong giai đoạn sắp tới.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng thu nhập thặng dư (Residual Income), chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu ACB là 27.100 đồng/CP và khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.
TCB sẽ tăng trở lại vùng kháng cự 24-24.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đang hình thành mô hình 2 đáy với ngưỡng đáy sau cao hơn ngưỡng trước.
Thanh khoản cổ phiếu vẫn nằm ở dưới ngưỡng trung bình 20 phiên, cho thấy động lực tăng đang hình thành.
Chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng điều chỉnh trong khi chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã gần vượt dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đang hình thành.
Như vậy, cổ phiếu TCB nhiều khả năng sẽ tăng trở lại vùng kháng cự 24-24.5 trong trung hạn.
Khuyến nghị mua đối với FPT với giá mục tiêu 71.000 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Năm 2019, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) lần lượt đạt 27.717 tỷ đồng doanh thu (tăng 19,4% so với năm trước) và 3.912 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 21%). Kết quả kinh doanh này đạt 98% dự phóng về doanh thu và 96,7% dự phóng về lợi nhuận của chúng tôi. Đại diện FPT cho biết kết quả này chưa đạt được như dự kiến là do Công ty tiến hành chia thưởng nhân viên vào tháng 12 khiến chi phí quản lý tăng cao.
Trong 2020, chi phí khen thưởng này sẽ được ghi nhận đều trong 4 quý thay vì phân bổ hết vào quý 4 như năm 2019 sẽ giúp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp được phản ánh chính xác hơn.
Doanh thu tăng đều ở các mảng kinh doanh cốt lõi của FPT, gồm xuất khẩu phần mềm, và viễn thông với mức tăng tương ứng 28% và 18%, đạt lần lượt 10.850 tỷ đồng và 9.790 tỷ đồng.
Xét riêng về khối công nghệ, thị trường Mỹ và APAC đạt mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng với 47% và 43% n/n. Nếu loại trừ ảnh hưởng từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Intellinent, thị trường Mỹ vẫn tăng 46% nhờ doanh số từ các khách hàng cũ và vị thế của FPT tại thị trường này được nâng cao sau thương vụ Intellinet.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản tăng trường chậm hơn với 18% do FPT thực hiện cơ cấu tập dự án IT theo hướng tập trung các dự án lớn & chủ dộng bỏ các dự án nhỏ. FPT cho rằng Công ty sẽ lấy lại đà tăng trưởng cao tại Nhật Bản trong năm 2020.
Bên cạnh đó, mảng đầu tư và giáo dục năm 2019 chứng kiến doanh thu tăng mạnh so với năm 2018 (tăng 55%). Kết thúc năm 2019, tổng số học sinh khối giáo dục đạt xấp xỉ 50.000 học sinh, gấp 2 lần số lượng học sinh năm 2017, và tăng 40% so với năm 2018.
Chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2020 và 2021 lần lượt đạt 33.725 tỷ đồng và 39.587 tỷ đồng trong đó động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ mảng xuất khẩu phần mềm với giả định như sau: (i) Mảng này sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 29%/năm; (ii) số lượng nhân viên tăng từ 15.500 lên 21.600 người vào cuối năm 2021; (iii) năng suất lao động tăng trung bình 10%/năm; (iv) thị trường Nhật Bản sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 26% cao hơn năm 2019 ở mức 24%; và (v) thị trường Mỹ vẫn duy trì tốc độ 40% nhờ Intellinet.
Biên lợi nhuận ròng cải thiện từ 11,3% lên 12% trong đó chủ yếu do mảng software outsourcing và mảng giáo dục có biên lợi nhuận ròng cao (lần lượt đạt 17% và 25%) tiếp tục gia tăng tỉ trọng trong cơ cấu doanh thu của FPT.
Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 15,4 lần (theo EPS dự phóng 2020F khoảng 4.623 đồng), tương đương với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 71.000 đồng/CP.
T.T