Chờ HPG bứt phá mạnh vào phiên ngày mai
(CTCK BIDV – BSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
– Xu hướng hiện tại: Giảm trung hạn
– Chỉ báo xu hướng MACD: Dưới mức 0
– Chỉ báo RSI: Trung tính
– Khối lượng giao dịch tăng 50% so với trung bình 20 phiên giao dịch
Nhận định: HPG đã hồi phục từ đáy tại phiên 12/7/2018 nhưng không vượt qua được đường xu hướng và tiếp tục điều chỉnh.
Những phiên gần đây do khối ngoại bán mạnh cổ phiếu này nhưng nhờ lực cầu tốt từ khối nội, HPG không bị giảm sâu và tiếp cận đường xu hướng một lần nữa.
Nhà đầu tư cần chờ HPG cần bứt phá mạnh vào phiên ngày mai để phá vỡ kênh xu hướng giảm và tích lũy đi ngang trong giai đoạn tới.
Giữ khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MSN
(CTCK Bản Việt – VCSC)
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) công bố KQKD 6 tháng 2018 bao gồm doanh thu đạt 17,5 tỷ đồng (-3% YoY), và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 3,03 nghìn tỷ đồng (+566% YoY).
Lợi nhuận trên bao gồm một khoản lãi bất thường 1,5 nghìn tỷ xuất phát từ “giả định” bán một phần tỷ lệ sở hữu tại công ty liên kết (deemed disposal) – Techcombank/TCB, do đợt tăng vốn gần đây của TCB đã khiến tỷ lệ sở hữu của MSN tại TCB giảm.
Không tính khoản mục bất thường này, LNST sau lợi ích CĐTS thường xuyên vẫn tăng mạnh 243% YoY trong 6 tháng 2018.
Doanh thu bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của mảng thức ăn chăn nuôi do khủng hoảng dư cung thịt heo.
Doanh số mảng thức ăn chăn nuôi đã cải thiện so với quý trước (QoQ) trong quý 2/2018, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) do hoạt động chăn nuôi heo chưa hoàn toàn phục hồi khi giá thịt heo chỉ mới phục hồi vào đầu tháng 4/2018.
Với giá thịt heo hiện tại dao động quanh mốc 50.000 đồng/kg, ban lãnh đạo kỳ vọng sự phục hồi sẽ rõ rệt hơn trong 6 tháng cuối năm khi nông dân tiêu thụ trở lại thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Tuy nhiên, lợi nhuận thường xuyên vẫn tăng mạnh nhờ:
(1) tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ và biên LN cải thiện đáng kể trong mảng F&B (thực phẩm & đồ uống) sau khi Masan Consumer Holdings (MCH) chuyển hướng thành công sang mô hình kinh doanh mới, tập trung vào xây dựng thương hiệu và cải tiến sản phẩm thay vì tập trung vào chiết khấu,
(2) giá bán cao hơn tại Masan Resources (MSR),
(3) LN được chia từ Techcombank tăng mạnh
(4) chi phí tài chính ròng thấp hơn do giảm vay nợ tài chính.
Không tính khoản lãi bất thường ở trên, KQKD 6 tháng 2018 của MSN phù hợp với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA đối với MSN.
Duy trì khuyến nghị GIỮ đối với cổ phiếu CTD
(CTCK ACB – ASBC)
Do khả năng thực hiên các dự án của VinCity trong 6 tháng cuối năm tăng lên nên chúng tôi điều chỉnh doanh thu 2018 lên 29.242 tỷ đồng (+8% n/n) và LNST của cổ đông công ty mẹ lên 1.578 tỷ đồng (-5% n/n), tương đương 104% và 105% kế hoạch.
Chúng tôi không phản ánh kế hoạch M&A trong mô hình định giá do thiếu thông tin.
Do dự phóng giá trị hợp đồng trúng thầu khả quan hơn báo cáo cập nhật trước đó nên chúng tôi nâng giá mục tiêu lên 153.802 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị GIỮ. Cổ phiếu đang giao dịch với P/E dự phòng năm 2018 là 7,7 lần.