Khuyến nghị giữ đới với cổ phiếu DHG
(CTCK Phú Hưng – PHS)
Trong quý I/2018, DHG vẫn chưa cho thấy sự phục hồi trở lại khi doanh thu công ty chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ (đạt 908 tỷ đồng), trong khi giá vốn tăng cao gần 9% do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào có sự gia tăng khiến biên lợi nhuận gộp tiếp tục suy giảm.
Khuyến nghị: Mặc dù tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của DHG vẫn khá tích cực tuy nhiên DHG vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nên nhiều khả năng tình hình kinh doanh của công ty vẫn sẽ chững lại trong năm 2018 – 2019.
Dựa trên phương pháp DCF và P/E, chúng tôi dự báo vùng giá hợp lý cho DHG sẽ vào khoảng 106.113 đồng/cổ phiếu với P/E dự phóng trong năm 2018 sẽ khoảng 21x. Từ đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị GIỮ cho cổ phiếu này.
Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Kết quả sơ bộ 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng tốt. Tổng CT Điện lực Dầu khí (POW) cho biết tốc độ tăng trưởng doanh thu và LNST trước CĐTS trong 6 tháng đầu năm 2018 lần lượt đạt 17,3% và 19,0% YoY so với cùng kì năm trước.
Chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu chủ yếu nhờ vào tăng trưởng sản lượng 6% và giá khí tăng do giá dầu phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2018.
Nhà máy Nhơn Trạch 1 phục hồi mạnh mẽ sau khi hoàn thành đại tu trong năm 2017 và nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng hoạt động ổn định do không còn bất cứ vấn đề kĩ thuật nào.
Kết quả sơ bộ này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi ước tính lợi nhuận hợp nhất cốt lõi của 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.235 tỷ đồng, tăng trưởng 33.8% so với cùng kỳ và đạt gần 50% dự phóng cả năm của chúng tôi.
Chúng tôi cũng kỳ vọng kết quả khả quan trong 6 tháng còn lại của năm 2018 nhờ vào chi phí bảo dưỡng trùng tu thấp hơn từ nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.
POW bất ngờ công bố trả cổ tức tiền mặt 300 đồng/CP (lợi suất cổ tức 2,3%) trong năm 2018 so với kế hoạch trước đó sẽ chỉ có cổ tức cổ phiếu trong giai đoạn 2018-2020.
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu hoàn thành việc chuyển sàn niêm yết lên HOSE trong nửa cuối 2018 – quý 1/2019. POW sẽ xin ý kiến cổ đông chuyển sàn HOSE trong đại hội cổ đông sắp tới vào ngày 26/6.
Sau đó, công ty sẽ lập tức tiến hành các thủ tục để chuyển niêm yết từ UpCom sang HOSE. Với giá trị vốn hóa lớn và thanh khoản cao như hiện tại, POW kỳ vọng sẽ lọt vào VN30 sau 6 tháng niêm yết trên sàn HOSE.
Ban lãnh đạo cam kết dự án Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ tạo ra giá trị lợi ích cho cổ đông. POW xin cơ chế để được hưởng sản lượng hợp đồng cao và chuyển hoàn toàn chi phí khí LNG cho người mua.
Công ty đặt kế hoạch hoàn thành báo cáo tiền khả thi (Pre-FS) trong tháng 7/2018, chốt báo cáo khả thi (FS) trong tháng 10/2019 và sẽ tiến hành khởi công xây dựng dự án trong Q3/2019.
Nhờ đó, nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 được kỳ vọng sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ năm 2022 và 2023. POW sẽ tài trợ cho hai dự án này với 300 triệu USD từ nguồn vốn chủ sở hữu, 300 triệu sẽ được vay từ các ngân hàng trong nước và 600 triệu USD vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế.
POW đang thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo các yêu cầu về môi trường cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Trong ngắn hạn, tro xỉ từ nhà máy Vũng Áng sẽ được dùng cho một dự án giao thông công cộng thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Trong dài hạn, POW đang đàm phán để bán tro xỉ cho công ty sản xuất gạch không nung làm nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, POW cũng kỳ vọng sẽ nhận được giấy phép nhận chìm để phục vụ nạo vét bùn lắng tại cầu cảng vận chuyển than, nhờ đó duy trì hoạt động ổn định trong dài hạn cho nhà máy.
Nhà đầu tư chiến lược rất quan tâm đến POW nhưng diễn biến thoái vốn sẽ được thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán.
28,8% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa phê duyệt trước đây sẽ được chào bán trên sàn giao dịch chứng khoán sau khi Chính phủ chấp thuận mức giá khởi điểm mới.
Hiện chúng tôi đang có khuyến nghị MUA với tổng mức sinh lợi 55% cho POW, trong khi cổ phiếu đang giao dịch ở mức hấp dẫn với P/E cốt lõi 2018 là 11 lần và EV/EBITDA là 6 lần.
Điều chỉnh tăng giá mục tiêu đối với BVH
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ 88.250 đồng lên 92.050 đồng, tương ứng với khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG và tổng mức sinh lời 8,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,2%.
Lợi nhuận ròng quý 1/2018 tăng 13% YoY dù thực hiện phương thức dự phòng thận trọng, phản ánh trong tăng trưởng chi phí dự phòng toán học 87,4% YoY.
Chúng tôi dự báo phí bảo hiểm thuần sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2017-2021 đạt 24,1%, trong khi duy trì giả định tỷ lệ kết hợp ở mức 96% năm 2018 so với 98% năm 2017, dẫn dắt bởi khâu quản lý bồi thường hiệu quả và tăng trưởng cao trong mảng bảo hiểm nhân thọ.
Theo dõi đối với cổ phiếu RAL
(CTCK FPT – FPTS)
Năm 2018, Rạng Đông đặt mục tiêu doanh thu bằng năm 2017, lợi nhuận trước thuế là 206 tỷ (-24% yoy).
Năm 2018 là năm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm của Rạng Đông nên ban lãnh đạo đặt kế hoạch khá thận trọng. Tháng 7/2018, Rạng Đông sẽ dừng việc sản xuất bóng đèn truyền thống chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm LED.
Chúng tôi đưa ra đánh giá THEO DÕI đối với cổ phiếu CTCP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông với những yếu tố sau:
– Tiềm năng của thị trường LED trong nước còn khá lớn. Năm 2017, quy mô của thị trường LED đạt 420 triệu USD (+20,6% yoy), dự đoán đến năm 2022, thị trường có thể vượt 830 triệu USD với tốc độ tăng trưởng CAGR 15,6% trong giai đoạn 2016 – 2022. Với doanh thu LED nội địa năm 2017 là 1.179 tỷ đồng, Rạng Đông chiếm khoảng 12,28% thị phần.
– Cạnh tranh gay gắt trong dòng sản phẩm LED. Hiện tại, có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực LED, các doanh nghiệp lắp ráp có quy mô nhỏ lẻ chiếm 60 – 70% thị phần. Cạnh tranh cao trong ngành có thể làm chi phí bán hàng của doanh nghiệp tiếp tục tăng.
– Giao dịch với bên liên quan chiếm 39% doanh thu. CTCP Gia Lộc Phát có giá trị giao dịch chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu và là khách hàng lớn của Rạng Đông. Trong khi đó, ông Lê Đình Hưng là chủ tịch HĐQT của Gia Lộc Phát đồng thời là thành viên HĐQT của RAL.