Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG
CTCK Phú Hưng (PHS)
CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – sàn HOSE) đang sở hữu quỹ đất lớn đắc địa tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng, cùng khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt và cấu trúc vốn an toàn, sẽ giúp NLG có động lực tăng trưởng trong tương lai. Hiện tại, NLG tập trung phát triển dự án nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực trên thị trường bất động sản.
Dự án Mizuki Park (26,4 ha) tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), dự án Akari City (8,4 ha) tại quận Bình Tân (TP.HCM) và dự án Waterpoint (355 ha) tại tỉnh Long An bắt đầu được triển khai giai đoạn 1 được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho NLG trong thời gian sắp tới.
Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu NLG. Giá trị hợp lý cho NLG đạt 35,560 đồng/cổ phiếu, cao hơn 44% so với mức giá giao dịch chốt ngày 26/02. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG.
Khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 127.300 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
BSC dự báo kết quả kinh doanh 2020 của CTCP Sữa Việt Nam (VNM – sàn HOSE) với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 62.211 tỷ đồng (tăng 10,46% so với năm trước) và 11.281,8 tỷ đồng (tăng trưởng 6,6%), tương đương EPS fw 2020 là 5.840 VND/CP (đã trừ QKTPL), PE fw = 18.2x, và PB fw = 5.4x.
BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu là 127.300 đồng/CP thấp hơn giá mục tiêu 142.100 đồng/CP trong báo cáo trước “Mở rộng thị trường Trung Quốc” – 27/09/2019.
Giá mục tiêu dựa theo 2 phương pháp DCF và PE với PE mục tiêu là 22x (thấp hơn PE mục tiêu trước là 25x do tốc độ tăng trưởng nội địa có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh SARS-Covid 19).
DRH sẽ tiếp cận khu vực xung quanh 6.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu DRH của Công ty cổ phần DRH Holdings vẫn đang ở trong xu hướng tăng giá từ giữa tháng trước cho đến nay với xuất phát điểm là vùng đáy 2.65.
Thanh khoản cổ phiếu thời gian gần đây đang có chiều hướng tăng dần.
Các chỉ báo xu hướng hiện vẫn đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo động lượng RSI hiện đã đi vào vùng quá mua nên có thể sẽ có áp lực chốt lời trong ngắn hạn khi cổ phiếu cũng đang gặp phải ngưỡng kháng cự tại vùng giá 6.
Theo đánh giá của chúng tôi, nếu duy trì được động lực tăng giá, DRH tiềm năng sẽ tiếp cận khu vực xung quanh 6.5 trong tuần tới.
Khuyến nghị mua dành cho ACV với giá mục tiêu 76.700 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng khuyến nghị cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từ khả quan lên mua dù giảm giá mục tiêu 12% còn 76.700 đồng khi giá cổ phiếu của công ty này đã giảm 40% trong 3 tháng qua do tâm lý thị trường không tốt trong bối cảnh bùng phát dịch virus corona.
Chúng tôi giảm giá mục tiêu chủ yếu do giả định lượng hành khách quốc tế giảm 15% trong năm 2020 đến từ những lo ngại về dịch virus corona – dẫn đến mức giảm 3,1% YoY. Chúng tôi hiện giả định những gián đoạn do bùng phát dịch sẽ đạt đỉnh tại thời điểm cuối quý 1/2020, từ đó, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ dần phục hồi trong quý 2/2020 và quay về mức bình thường trong giai đoạn từ quý 3/2020 trở đi.
Chúng tôi hiện giả định vốn xây dựng cơ bản cao hơn cho kế hoạch bảo trì đường băng tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) và Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (HAN).
Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2020 sẽ giảm 1,6% so với năm ngoái, còn 18 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ giảm 8% còn 7,7 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ nhu cầu đi lại giảm do bùng phát dịch bệnh.
Chúng tôi hiện giả định lượng hành khách quốc tế của ACV sẽ giảm 3,1% trong năm 2020 trong khi lượng hành khách trong nước giảm 2% . Chúng tôi lưu ý rằng lượng hành khách quốc tế của ACV bao gồm Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng (DAD) và Cam Ranh (CXR) khi ACV ghi nhận doanh thu từ các cảng hàng không này thông qua việc thu phí nhượng quyền.
Trong năm 2021, chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 26% so với năm trước, đạt 23 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 28% đạt 9,8 nghìn tỷ đồng từ mức cơ sở thấp. Chúng tôi giả định tăng trưởng lượng hành khách quốc tế sẽ phục hồi đạt mức 22% cùng với tăng trưởng lượng hành khách trong nước đạt 8%.
Chúng tôi cho rằng ACV sẽ là công ty được hưởng lợi chính trong sự bùng nổ ngành hàng không của Việt Nam. Dù những thách thức trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng những yếu tố dẫn dắt tăng trưởng cơ cấu cho triển vọng dài hạn của chúng tôi duy trì ổn định nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và vị trí gần các thị trường hàng không tăng trưởng nhanh khác của Việt Nam.
Rủi ro: vốn xây dựng cơ bản cao hơn dự kiến, trì hoãn kế hoạch mở rộng công suất sân bay có thể hạn chế tăng trưởng lưu lượng hành khách, lượng hành khách Trung Quốc thấp hơn, lỗ tỷ giá từ nợ bằng đồng JPY.
Khuyến nghị mua dành cho DPM
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua trong khi giảm giá mục tiêu 2% khi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 trung bình ~5%, chủ yếu đến từ chi phí khí đầu vào cao hơn sau khi cước phí vận chuyển khí dự phóng tăng. Tuy nhiên, chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận năm 2020.
Chúng tôi dự báo EPS năm 2020 tăng 81,8% so với năm ngoái, nhờ sản lượng urê bán ra tăng 12,9%, hiệu suất hoạt động tại các nhà máy NPK tăng và chi phí khí đầu vào thấp hơn, trong khi giá urê không thay đổi.
Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 20,8% trong giai đoạn 2019-2024, dẫn dắt bởi lợi nhuận cao hơn từ nhà máy urê sau khi thực hiện bảo trì đình kỳ cùng với các vấn đề kỹ thuật trong năm 2019, hiệu suất hoạt động cao hơn của nhà máy NPK chung từ năm 2020 trở đi và giá urê tăng 2,5% hằng năm từ năm 2021 trở đi.
Chúng tôi cho rằng DPM có mức cổ tức ổn định, đến từ năng lực tài chính mạnh mẽ và triển vọng phục hồi lợi nhuận vững chắc từ năm 2020 trở đi. Công ty sở hữu lượng tiền mặt tại quỹ 4 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2019 (và tiền mặt ròng gần 3 nghìn tỷ đồng), có thể hỗ trợ lợi suất cổ tức ổn định tại 8-10%.
Định giá của DPM tỏ ra hấp dẫn với EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là 1,9 lần và P/E là 8,2 lần.
Yếu tố hỗ trợ: thông báo chốt cước phí vận chuyển khí mới; điều chỉnh luật thuế giá trị gia tăng cho phép miễn giảm thuế đầu vào; đền bù bảo hiểm cho sự cố kỹ thuật của nhà máy NH3 diễn ra trong năm 2019.
Rủi ro: mức phí vận chuyển khí cao hơn dự kiến từ năm 2021.
Khuyến nghị mua dành cho FPT
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua trong khi giảm giá mục tiêu 4% khi điều chỉnh dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2022 giảm 6-7% do hạ dự phóng cho mảng công nghệ thông tin trong nước (doanh thu quý IV/2019 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi), xuất khẩu phần mềm/XKPM (chi phí thưởng nhân viên cao hơn) và công ty liên kết FPT Retail.
FPT hiện được giao dịch tại PEG 3 năm hấp dẫn ở mức 0,6 dựa theo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS dự phóng giai đoạn 2019-2022 đạt 21%, đến từ mảng XKPM, Viễn thông và Giáo dục có tăng trưởng nhanh. Chúng tôi dự báo 3 mảng này sẽ chiếm tổng cộng 82% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng năm 2022 so với mức ~79% trong năm 2019.
Trong khi dịch virus corona (CoV) có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh toàn cầu và qua đó là chi tiêu vào công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng FPT Software sẽ vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ nhờ gia tăng thị phần, đặc biệt trong bối cảnh dịch CoV có thể gây ra các gián đoạn kinh doanh cho các đối thủ Trung Quốc.
Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: thiếu hụt nguồn cung kỹ sư phần mềm, cạnh tranh gay gắt trong mảng Viễn thông từ cả các đối thủ mảng băng thông rộng cố định và di động; bùng phát dịch CoV kéo dài có thể ảnh hưởng chi tiêu cho công nghệ thông tin trên toàn cầu, bao gồm các khách hàng hiện tại cùa FSOFT.
Khuyến nghị mua dành cho PC1 với giá mục tiêu 21.600 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) nhưng giảm giá mục tiêu 17,2% còn 21.600 đồng/CP do điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020-2024, đặc biệt là trong năm 2020.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 17,3% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 do (1) giả định biên lợi nhuận thấp hơn cho mảng xây lắp, (2) giả định doanh số bán và giá bán thấp hơn cho danh mục thủy điện và (3) tăng dự báo lỗ từ công ty liên kết Gang thép Cao Bằng.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 đạt 38,5%, đến từ (1) dự án BĐS Thanh Xuân, (2) 2 nhà máy thủy điện mới và (3) lợi nhuận đi ngang từ mảng lưới điện và sản xuất trụ điện.
PC1 sẽ được hưởng lợi từ dự phóng công suất điện tăng gấp 3 lần trong vòng 15 năm tới. Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2019-2022 đạt 16,2%, đến từ công suất điện tăng gấp đôi và 3 dự án BĐS.
Yếu tố hỗ trợ: Lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 2 từ bàn giao dự án BĐS; lợi nhuận vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2020 của công ty là 501 tỷ đồng; đóng góp lợi nhuận từ công suất điện gió mới 100 MW bổ sung.
Rủi ro: biên LN thấp hơn dự kiến cho các dự án xây lắp điện; tiến độ chậm hơn dự kiến cho các dự án BĐS; tỷ lệ đòn bẩy tăng.
T.T