Cần thêm vài ngày để đợi HPG phản ứng thế nào với MA200
(CTCK BIDV – BSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
– Xu hướng hiện tại: Có dấu hiệu bật lại ngưỡng kháng cự ở mức 37.500 đồng
– Chỉ báo xu hướng MACD: Dưới mức 0
– Chỉ báo RSI: Xuất hiện nhiều lực bên mua
– Khối lượng giao dịch giảm 9% so với trung bình 20 phiên giao dịch
Nhận định: HPG có thể đang phục hồi sau đợt xuống giá mạnh từ tháng trước, và cố test lại MA200 và ngưỡng kháng cự ở 37.500 đồng.
Lưc cầu đang có dấu hiệu gia tăng từ việc tăng điểm và khối lượng giao dịch hơn so với phiên 12/7 cùng với việc lấp được gap trong phiên cuối tuần trước.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thêm vài ngày để đợi HPG phản ứng thế nào với MA200.
Nếu cổ phiếu chạm đường MA200 rồi xuống thì có thể sẽ xuống mạnh hơn những phiên trước. Nếu CP phá ngưỡng MA200, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế.
Đây là cơ hội chốt lời tốt cho các cổ đông DHG
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Taisho đã công bố thời hạn đăng ký chào mua cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) là từ 19/07/2018 đến ngày 17/08/2018, cho đợt chào mua công khai 9,2 triệu cổ phiếu DHG (7% cổ phần).
Giá chào mua sẽ là 120.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 20% so với giá đóng cửa phiên 13/7), tương ứng với P/E 2017 là 27,1 lần.
Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội chốt lời tốt cho các cổ đông DHG với dự báo triển vọng kém tích cực với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST 3% giai đoạn 2017-2022, trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và DHG còn thiếu sự đa dạng hóa sản phẩm.
Chúng tôi hiện đang có giá mục tiêu 85.500 đồng/cổ phiếu cho DHG, tương ứng với tổng mức sinh lời -11,2% bao gồm lợi suất cổ tức 3%.
Khuyến nghị MUA dành cho FPT với giá mục tiêu 61.000 đồng
(CTCK Bản Việt – VCSC)
FPT Software (FSOFT) cho biết vừa mua lại thành công 90% cổ phần Intellinet, một công ty tư vấn phần mềm của Mỹ được thành lập năm 1993.
Giá trị đầu tư là 30 triệu USD, với kế hoạch tăng sở hữu lên 100% trong 3 năm tới. 10% còn lại sẽ được định giá tối đa 20 triệu USD, và mức giá thực tế sẽ phụ thuộc vào tình hình hoạt động của Intellinet trong 3 năm tới. Công ty không công bố thêm thông tin chi tiết.
Chúng tôi cho rằng Intellinet sẽ cung cấp các khả năng hỗ trợ rất hiệu quả cho FSOFT vì:
(1) Hiện phần lớn doanh thu của FSOFT là từ các dự án coding đơn giản, trong khi các dự án này được tính theo chi phí nhân công theo giờ.
Khả năng của FSOFT trong việc thực hiện các công việc có giá trị gia tăng cao như tư vấn và thiết kế giải pháp còn hạn chế do còn thiếu chuyên gia tư vấn phần mềm.
Vì vậy, Intellinet là lựa chọn phù hợp đối với FSOFT vì công ty này có đến 150 chuyên gia chuyên về tư vấn và thiết kế giải pháp phần mềm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Điều này sẽ mang lại cho FSOFT nhiều cơ hội lớn để thực hiện các dự án trọn gói, từ tư vấn và thiết kế đến thực hiện, qua đó cải thiện biên lợi nhuận.
(2) Intellinet có hơn 200 khách hàng, trong đó 17 khách hàng nằm trong danh sách Fortune 500. Trong khi đó, FSOFT có hơn 400 khách hàng và 80 khách hàng nằm trong Fortune 500. Tuy nhiên, cơ sở khách hàng của 2 công ty không có sự trùng lặp lớn.
Qua đó, Intellinet sẽ mang lại cho FSOFT một danh sách khách hàng mới đáng kể, trong khi FSOFT có thể khai thác khả năng của Intellinet để đưa ra các dịch vụ trọn gói không chỉ cho các khách hàng tại Mỹ mà còn tại Nhật Bản, EU, và APAC.
Doanh thu 2017 của Intellinet đạt 30 triệu USD, không đáng kể so với của FSOFT (275 triệu USD).
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tác động của Intellinet đối với FSOFT không chỉ ở mặt lợi nhuận mà còn đến từ các giá trị gia tăng từ sự kết hợp của hai công ty.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là thương vụ sẽ mang lại nhiều giá trị cho FPT. Chúng tôi nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng cho FSOFT trong các năm tới.
Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho FPT với giá mục tiêu 61.000 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 55%, lợi suất cổ tức 4,9%). FPT hiện đang giao dịch tại PER 2018 rất hấp dẫn là 10,7 lần.
Đang nắm giữ MBB cũng nên theo sát để đưa ra quyết định phù hợp
(CTCK FPT – FPTS)
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 13/07, MBB mở rộng phục hồi về mốc giá 20,8. Theo đó, đường giá đã hoàn hiện mô hình đảo chiều Double bottoms với mục tiêu được xác định tại mốc giá 23.000 đồng.
Cần lưu ý rằng đồ thị giá MBB vẫn đang nằm trong xu hướng giảm tính từ trung tuần tháng 4/2018 kéo dài đến nay.
Trong đó, đường SMA 60 phiên đang đóng vai trò ngưỡng kháng cự mạnh.
Do đó, mô hình giá cùng tín hiệu giao cắt lên của RSI với đường bình quân 9 kỳ của chỉ báo này mới chỉ để ngỏ khả năng xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong xu hướng giảm.
Cơ hội của một nhịp phục hồi thực sự sẽ chỉ được đề cập đến nếu MBB nhanh chóng phục hồi và vượt lên đường SMA 60 phiên, tương ứng với vùng giá 23.000-24.000 đồng.
Trong bối cảnh nhóm ngân hàng đang nhận được sự đồng thuận của dòng tiền trong 02 phiên trở lại đây, nhà đầu tư đang nắm giữ MBB cũng nên theo sát để đưa ra quyết định giao dịch phù hợp.