PNJ cần tích lũy tại vùng 106.000 đồng
(CTCK BIDV – BSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
– Xu hướng hiện tại: Hồi phục ngắn hạn
– Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0
– Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương
– Khối lượng giao dịch tăng 128% so với trung bình 20 phiên giao dịch
Nhận định: PNJ đã vượt được SMA200 trong phiên hôm nay với khối lượng đột biến hỗ trợ. Đây là tín hiệu rất tích cực cho xu hướng trung và dài hạn sau khi cổ phiếu bị gãy mạnh xuống dưới vùng giá 80.000 đồng.
Tuy nhiên ở phía trên đang xuất hiện vùng kháng cực mạnh 106.000-110.000 đồng là SMA150 và khoảng trống xuất hiện khi cổ phiếu bắt đầu xu hướng giảm.
PNJ cần tích lũy tại vùng 106.000 đồng và lấp khoảng trống này trước khi tạo ra xu hướng mới.
Khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VNE
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
VNE là một trong vài doanh nghiệp xây lắp điện hàng đầu Việt Nam. Sau giai đoạn xáo trộn do bị thâu tóm, hoạt động kinh doanh của VNE đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng khi nhóm thâu tóm rút lui và Ban lãnh đạo cũ quay trở lại.
Với sự trở lại của Ban lãnh đạo cũ, VNE tiếp tục định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp là thoái vốn ra khỏi các dự án BĐS cũng như các công ty con và công ty liên kết kém hiệu quả để tập trung vào thế mạnh là xây lắp điện và năng lượng từ đó giúp cho công ty có thể tăng trưởng và ổn định hơn trong tương lai.
Cùng với đó thì LNST năm 2018 được dự báo tăng trưởng xấp xỉ 61,3%.
Vì vậy chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VNE với mức giá mục tiêu là 11.800 đồng (giữ nguyên so với báo cáo cập nhật tháng 04/2018) và tiềm năng tăng giá là 88% so với mức giá đóng cửa ngày 13/8/2018 là 6.260 VND/CP
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu OIL trong ngắn hạn
(CTCK Phú Hưng – PHS)
Với các giả định về tăng trưởng thị phần cũng như dịch chuyển cơ cấu kênh bán hàng sang các khu vực có biên lợi nhuận tốt hơn, chúng tôi kỳ vọng mức giá hợp lý của PVOil là 16,354VNĐ/Cp,
Khuyến nghị: Nắm giữ đối với cổ phiếu PVOil trong ngắn hạn, câu chuyện thoái vốn của PVN xuống còn 35.1% có thể sẽ là điểm nhấn hấp dẫn hơn đối với cổ phiếu PVOil
Rủi ro: Vấn đề quản trị hàng tồn kho là thách thức đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Các thay đổi về chính sách có thể khiến cho biên lợi nhuận của PVOil bị ảnh hưởng trực tiếp gây sai lệch tới dự báo. Kế hoạch tăng trưởng dựa vào M&A không hiệu quả ảnh hưởng tới khả năng hoạt động.
Khuyến nghị MUA dành cho DPM với giá mục tiêu 20.200 đồng
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến sẽ giảm cổ phần tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) (hiện 61,4%) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) (hiện 75,6%) xuống 36%.
PVN hiện đang tìm kiếm phương pháp tối ưu để thoái vốn khỏi các công ty phân bón này và phương án sáp nhập hai công ty cũng đang được xem xét. Đề xuất này cần được Bộ Công Thương và Thủ tướng duyệt.
Ngoài ra, nếu DPM muốn sáp nhập với DCM thì phải xin ý kiến cổ đông thiểu số.
Chúng tôi cho rằng nếu đề xuất này được thông qua, mặt tích cực là công ty sau khi sáp nhật sẽ có thị phần lên đến 80%, khả năng ảnh hưởng giá urea trên thị trường cao hơn và tính kinh tế theo quy mô được khai thác tối đa.
Tuy nhiên, rủi ro giá khí đầu vào cao hơn vì giá khí đầu vào của DCM nhiều khả năng sẽ tăng mạnh năm 2019 khi PVN sẽ không còn trợ giá khí nữa.
Chúng tôi cho rằng việc sáp nhập sẽ có lợi cho DCM hơn DPM nhưng vẫn giữ quan điểm trung lập đến khi có các diễn biến mới.
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA dành cho DPM với giá mục tiêu 20.200VND/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 22%, bao gồm lợi suất cổ tức 8,4%).
DPM hiện đang giao dịch tại mức P/E 2018 là 12,5 lần và EV/EBITDA là 5,3 lần. (báo cáo ngày 13/8).
Khuyến nghị MUA cổ phiếu CTG
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Chúng tôi đưa ra báo cáo cập nhật dành cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) với khuyến nghị MUA với tổng mức sinh lời 24,5%, bao gồm lợi suất cổ tức.
Giá mục tiêu của chúng tôi được điều chỉnh giảm 14% do tỷ lệ cho vay bán lẻ tăng nhẹ không đủ để xoa dịu áp lực tăng đối với chi phí cấp vốn.
Chúng tôi dự báo thu nhập lãi thuần năm 2018 sẽ tăng 15% so với năm 2017, trong đó NIM đi ngang 2,8% và tăng trưởng tín dụng điều chỉnh đạt 15% so với năm 2017 (giảm 1,5 điểm %) do NHNN hạn chế tăng trưởng tín dụng năm 2018.
Chúng tôi tiếp tục giữ tăng trưởng thu nhập phí thuần từ dịch vụ thương mại và các dịch vụ giao dịch và bảo hiểm.
CTG tích cực dự phòng đến 111% trong 6 tháng đầu năm sau khi giải quyết trái phiếu VAMC trong Quý 1.
Chúng tôi dự báo tỷ lệ chi phí dự phòng / nợ gộp sẽ giảm 0,8% từ 1,1% năm 2017. Dự báo lợi nhuận năm 2018 đạt 9.400 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017.
Giữ khuyến nghị MUA cổ phiếu VEA
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) cho biết LNST sau lợi ích CĐTS 6 tháng đầu năm 2018 đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ lợi nhuận từ các công ty ô-tô liên kết, bao gồm Honda, Toyota và Ford Vietnam.
LNST sau lợi ích CĐTS 6 tháng đầu năm 2018 vượt dự báo của chúng tôi và có thể chúng tôi sẽ điều chỉnh tăng giá mục tiêu, đồng thời giữ khuyến nghị MUA.
Doanh số xe máy Honda đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó giành thêm thị phần. Doanh số xe du lịch Honda bán ra tăng mạnh 106% so với cùng kỳ năm ngoái lên 11.181 chiếc.
Việc nhập khẩu Fortuner khó khăn ảnh hưởng đến doanh số du lịch Toyota nhưng được bù đắp bởi doanh số xe CKD, vốn có biên lợi nhuận cao hơn. Ford đạt doanh số kém trong bối cảnh nhập khẩu kém tích cực và cạnh tranh gay gắt ở mảng xe du lịch.