Giá cổ phiếu HSG sẽ giằng co kiểm tra ngưỡng kháng cự 13.000 đồng
(CTCK BIDV – BSC)
Nhận định: Sau khi đạt đỉnh ở vùng giá 29.000 đồng, giá cổ phiếu HSG đã điều chỉnh mạnh, liên tục mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, rơi thủng ngưỡng SMA200, và chạm đáy ở mức giá 9.300 đồng, tương đương với mức giảm 68%.
Sau khi chạm đáy, giá cổ phiếu HSG đã bật tăng mạnh trở lại và đang kiểm tra ngưỡng kháng cự 13.000 đồng, đây là vùng có khối lượng giao dịch tương đối cao.
Chỉ báo MACD tăng và phân kỳ bên trên đường tín hiệu, kết hợp xu hướng tăng của chỉ báo RSI xác nhận đà tăng của cổ phiếu.
Tuy nhiên, thanh khoản vẫn ở mức trung bình và giảm trong phiên 8/6, mặc dù đóng cửa HSG tăng trần. Dự báo giá sẽ giằng co kiểm tra ngưỡng kháng cự này trong các phiên tới.
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu BID
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Chúng tôi công bố báo cáo cập nhật với khuyến nghị KHẢ QUAN cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (BID) và điều chỉnh giảm giả mục tiêu của chúng tôi còn 35.300 đồng/cổ phiếu tương ứng với tổng mức sinh lời 15,3%.
Thu nhập lãi ròng (NII) dự kiến sẽ tăng 24% YoY, nhờ mức tăng NIM hợp nhất 12 điểm cơ bản.
Thu nhập phí thuần (NFI) dự báo sẽ tăng 16,6% YoY, đóng góp 7,3% cho tổng thu nhập từ HĐKD (TOI).
Tỷ lệ Chi phí/Thu nhập (CIR) đạt ổn định 40%, cho phép BID tiếp tục phương thức dự phòng thận trọng trong năm 2018.
Chi phí dự phòng sẽ tăng mạnh 26,4%, trong khi cán cân nợ VAMC ròng dự kiến giảm 33%.
Tăng trưởng thu nhập ròng dự phóng 2018 là 10,1% YoY.
Hạ khuyến nghị dành cho DRC xuống kém quả quan
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Chúng tôi hạ khuyến nghị dành cho CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG xuống KÉM KHẢ QUAN với giá mục tiêu 18.000 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời -19,1%.
Nguyên nhân khiến chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu là:
Điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng sản lượng bán ra vì năng lực cạnh tranh của DRC tiếp tục suy giảm sau khi tăng giá bán. Chúng tôi dự báo mảng lốp radial trong năm 2018 sẽ tiếp tục chịu lỗ và không thể hòa vốn.
Chúng tôi tiếp tục kém lạc quan về DRC do năng lực cạnh tranh kém, khiến công ty không thể chuyển phần giá đầu vào tăng thêm mà không bị mất thị phần.
Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2018 sẽ đạt tăng trưởng âm 34,5% do sản lượng lốp bias giảm, biên lợi nhuận giảm do cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập, trong khi mảng radial vẫn chịu lỗ.
DRC đang được định giá cao tại mức PER trượt 12 tháng là 21,3 lần trong khi triển vọng tăng trưởng kém và PER các công ty khác trong ngành là 17,7 lần.
Yếu tố hỗ trợ: Vinachem thoái vốn và có thể có biện pháp bảo hộ thương mại dành cho ngành săm lốp trong nước.
Rủi ro: Cạnh tranh từ hàng Trung Quốc tiếp tục và giá đầu vào tiếp tục tăng, đặc biệt là cao su (60%-70% giá vốn hàng bán) và carbon đen và các nguyên liệu khác (20%).
Hạ khuyến nghị dành cho TCM xuống phù hợp thị trường
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Chúng tôi hạ khuyến nghị dành cho CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG với tổng mức sinh lời 5%.
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 19% để phản ánh (1) chi phí bán hàng cao hơn so với dự kiến và (2) danh sách các công ty so sánh với TCM được điều chỉnh để việc so sánh hợp lý hơn.
Chúng tôi dự báo doanh thu và LNST 2018 sẽ tăng lần lượt 5% và 10,5% do (1) kết quả năm 2017 cao; (2) xuất khẩu sang Nhật tiếp tục tăng mạnh; và (3) năng suất nhà máy Vĩnh Long cải thiện chậm.
Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục tăng và năm 2018 sẽ đạt 16,1% so với 15,7% năm 2017 vì công ty cắt giảm hoạt động sản xuất sợi có biên lợi nhuận thấp đồng thời nỗ lực cải thiện năng suất tại nhà máy Vĩnh Long.
Rủi ro: (1) giá cotton tăng mạnh; (2) năng suất cải thiện chậm lại; và (3) nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của TCM giảm.
Định giá của TCM tỏ ra hợp lý tại mức PER trượt 12 tháng 6,9 lần so với PER trượt 12 tháng của các công ty khác trong ngành là 7,6 lần.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy không có yếu tố hỗ trợ nào đối với cổ phiếu trong ngắn hạn vì room khối ngoại đã đầy.