Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã phát đi thông cáo về kỳ họp thứ 27, diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6/2018, với kết luận 6 nội dung. Trong đó có việc xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV và các cá nhân liên quan.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7, thị trường chứng khoán có thêm một phiên giao dịch đỏ lửa khi mất hơn 41 điểm, tương đương 4,34% xuống còn 906,01 điểm, với sự giảm sàn của hàng loạt cổ phiếu, trong đó nhóm ngân hàng góp mặt tới 5 cái tên gồm : BID, TCB, STB, VPB, CTG.
Biết rồi, vẫn… choáng
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV.
Đồng thời, cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV.
Đáng chú ý, về hình thức kỷ luật mới công bố thì mới là xử lý vi phạm về Đảng, rất nhiều khả năng “ê kíp” gốc Bình Định này còn phải đối diện với những hình thức xử lý khác, tùy thuộc vào xem xét, đánh giá của cơ quan chức năng và mức độ vi phạm của mỗi người.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 26 của UBKT Trung ương (diễn ra từ ngày 28- 30/5/2018) đã kết luận, ông Trần Bắc Hà được xác định là phải chịu trách nhiệm chính trong những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
UBKT Trung ương cho rằng trong quá trình lãnh đạo BIDV, ông Trần Bắc Hà, ông Trần Lục Lang và ông Đoàn Ánh Sáng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo điều hành. Trong đó, có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Ngay sau thông tin ông Trần Bắc Hà bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng được phát đi vào cuối tuần trước, thị trường chứng khoán đã ghi nhận phiên giao dịch đầu tháng 7 khá tiêu cực, trong đó cổ phiếu BID giảm gần 5% xuống còn 24.750 đồng/cp.
Đà giảm của cổ phiếu này bất chấp việc khối ngoại gia tăng mua ròng tới 1,2 triệu đơn vị. Chỉ số Vn-Index cũng “bay hơi” 13,63 điểm, vốn hóa thị trường mất khoảng 1,7 tỷ USD.
Phiên giao dịch ngày 3/7, cổ phiếu BID tiếp tục giảm sàn, xuống còn 23.050 đồng/cp, với lượng khớp lệnh đột biến lên tới gần 5 triệu đơn vị.
Cùng với BID, có thêm CTG, STB, TCB, VPB trong nhóm ngân hàng đóng cửa tại mức giá sàn, những mã khác đồng loạt giảm sâu.
Chỉ số Vn-Index trong phiên giao dịch thứ hai của tháng 7 ghi nhận mức giảm 41,14 điểm, phá đáy năm 2018, với gần 500 mã giảm, 59 mã giảm sàn.
Trước đó, tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 (29/6), cổ phiếu BID tăng 0,39% lên 26.000 đồng/cp, với lượng khớp lệnh đạt hơn 2 triệu cổ phiếu, khối lượng mua luôn cao hơn gấp đôi khối lượng bán ra.
Không chỉ BIDV giảm giá
Thời điểm cuối năm 2017 và quý I/2018, cổ phiếu BID đã có đà tăng trưởng mạnh mẽ, thiết lập mức đỉnh 45.000 đồng/cp, tuy nhiên cùng với đà giảm chung của thị trường, cổ phiếu này đã giảm hơn 42% trong quý II.
Trong quá khứ, những thông tin tiêu cực liên quan đến ông Trần Bắc Hà cũng đã từng khiến cả thị trường chứng khoán chao đảo.
Đầu tiên, năm 2013, trước thời điểm BIDV lên sàn chứng khoán cũng có tin xấu liên quan đến ông Hà (khi đó là Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV), thị trường bốc hơi 1,3 tỷ USD
Gần đây là phiên giao dịch ngày 9/8/2017, với tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt, Vn-Index mất 18 điểm, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hai năm, trước đà bán tháo diễn ra trên toàn thị trường.
Nhiều mã cổ phiếu của các ngân hàng giảm mạnh như VCB giảm 1,6%; VIB giảm 1,8%; MBB giảm tới 4,3%; BID bị bán tháo mạnh mẽ dẫn tới tình trạng trắng bên mua.
Hơn 2 tỷ USD “bốc hơi” khỏi TTCK phiên 9/8/2017, riêng vốn hóa BIDV trong phiên mất 7.521 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những thông tin tiêu cực của lãnh đạo BIDV cũng khiến cổ phiếu BID chao đảo.
Có thể kể đến phiên giao dịch ngày 4/6, ngay sau khi kết luận tại kỳ họp 26 của UBKT về những vi phạm của ông Trần Bắc Hà và các lãnh đạo được công bố, cổ phiếu BID đã tăng 800 đồng, lên 30.500 đồng/cp.
Do đó, các công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị thận trọng đối với các nhà đầu tư trong những phiên giao dịch tới đây, bình tĩnh theo dõi những biến động của thị trường để có những quyết định đúng đắn.