Có nhiều nguyên nhân khiến một cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhưng các cổ phiếu này sẽ được phân loại thành hai dạng là tự nguyện hủy niêm yết sau khi ĐHĐCĐ thông qua và hủy niêm yết bắt buộc do không đáp ứng được điều kiện kinh doanh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Kể từ đầu năm đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp bị hủy niêm yết cả trên hai sàn giao dịch HoSE và HNX, mỗi doanh nghiệp bị hủy niêm yết lại là một câu chuyện riêng.
Cổ đông lớn chủ động
Đầu tháng 5 vừa qua, hơn 14,1 triệu cổ phiếu KHA của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) đã tự nguyện hủy niêm yết trên HoSE và chuyển sang giao dịch trên UPCoM.
Lý do được đưa ra là việc duy trì niêm yết tốn chi phí lớn và quy định công bố khắt khe, rườm rà trong khi công ty không có mục đích huy động vốn.
Trước đó, hồi cuối năm 2017, toàn bộ 2,17 triệu cổ phiếu NPS, với tổng giá trị theo mệnh giá là 21,7 tỷ đồng của CTCP May Phú Thịnh – Nhà Bè cũng tự nguyện hủy niêm yết trên sàn HNX, để giao dịch trên UPCoM.
Lý do được công ty đưa ra là nhằm mục đích tái cơ cấu doanh nghiệp, nên sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh chính là sản xuất hàng may mặc.
Bên cạnh số ít công ty thực hiện hủy niêm yết tự nguyện, đa phần cổ phiếu bị hủy niêm yết là theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 58/2012/ NĐ-CP với kết quả kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ hoặc kiểm toán đưa ra ý kiến từ chối với BCTC.
Gần đây nhất là trường hợp cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế Phát triển Đô thị sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ 6/8/2018 do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Cũng cùng nguyên nhân như CDO, cổ phiếu KSA của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận cũng nhận “trát” hủy niêm yết của HoSE từ 2/8/2018; hay toàn bộ 5 triệu cổ phiếu B82 của CTCP 482 cũng bị hủy niêm yết từ 20/8/2018.
Với khoản lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hay thua lỗ ba năm liên tiếp, những cổ phiếu như SD7 của CTCP Sông Đà 7, L44 của CTCP LILAMA 45.4, cổ phiếu MLS của CTCP Chăn nuôi (Mitraco)… cũng cùng chung cảnh ngộ hủy niêm yết bắt buộc.
Thông thường, đối với trường hợp hủy niêm yết tự nguyện, nhiều khả năng đã được ban lãnh đạo công ty và cổ đông lớn họp bàn từ trước khi đưa ra tại ĐHĐCĐ. Thậm chí, trong quá khứ, đã có nhiều cổ đông lớn, lãnh đạo công ty bán cổ phiếu chốt lời.
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nghĩa vụ công bố thông tin là do ban lãnh đạo và cũng đồng thời là những cổ đông lớn chủ động.
Cổ đông nhỏ “chờ sung rụng”
Dù hủy niêm yết theo hình thức nào, mẫu số chung của các cổ phiếu này là thị giá cổ phiếu cùng lao dốc như: cổ phiếu CDO đã nằm ở vùng giá đáy kể từ khi niêm yết, hiện chỉ còn 950 đồng/cp.
Trước đó, dự tính được cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết, năm 2018, CDO đặt các mục tiêu kinh doanh giảm mạnh và không thực hiện chi trả cổ tức.
Về phương án đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, hầu hết các công ty tự nguyện hủy niêm yết đều có phương án mua lại cổ phần của cổ đông hiện hữu, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, trước thời điểm chính thức hủy một năm.
Do vậy, nếu doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết thì các cổ đông nhỏ, lẻ không cần quá lo ngại vấn đề tiền bị chôn hay khó mua bán sau đó.
Điển hình như trường hợp CTCP Thế giới số Trần Anh đã thông qua phương án sẽ mua lại tối đa 180.634 cổ phiếu TAG làm cổ phiếu quỹ để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông khi công ty thực hiện hủy niêm yết.
Tuy nhiên, việc niêm yết chứng khoán là một bước tiến chiến lược, chứ không phải để các cổ đông lớn “đánh quả” xong rồi “rút”.
Ở trường hợp bắt buộc, đây là một bài toán nan giải bởi thế bị động hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư. Mặc dù, theo quy định, sau khi rời sàn niêm yết, các doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh thua lỗ, mất cân đối về cơ cấu tài sản cũng như nguồn vốn, không ít cổ phiếu sau khi hủy niêm yết đã “mất tích” như KSS, KTB BAM… khiến cổ đông khó tìm được thông tin về công ty.
Khi đó, cổ phiếu bị “giam” tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), nếu muốn chuyển nhượng, nhà đầu tư sẽ phải làm rất nhiều thủ tục xin phép cơ quan chức năng.
Nếu không “mất tích”, những cổ phiếu còn tồn tại cũng sẽ mất thanh khoản, dẫn đến giá trị đầu tư của cổ đông càng ngày càng “mất hút”.
Chưa kể, niêm yết trên UPCoM, nhà đầu tư sẽ phải làm quen với “sân chơi” mới, với những luật lệ khác biệt, sự thiếu minh bạch trên sàn tập trung, đồng nghĩa với việc “cửa tử” vẫn đang chờ đón các cổ đông nhỏ lẻ.
Những cổ phiếu được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM vẫn sẽ bị tạm ngừng giao dịch, hoặc bị hủy đăng ký giao dịch nếu không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng; chấm dứt tồn tại do bị sáp nhập, hợp nhất, chia, giải thể hoặc phá sản hay bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập.
Trong trường hợp này, việc đảm bảo quyền lợi của cổ đông vẫn là câu hỏi lớn.