Theo báo cáo tài chính quý 2/2018 của BCC, công ty báo lãi sau thuế gần 22 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ hơn 39 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 997 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh thu 980 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái, trong đó phần lớn là doanh thu từ xi măng và clinker. Doanh thu tăng nhưng giá vốn lại giảm so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 123,7 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thêm vào đó, chi phí tài chính hơn 24 tỷ đồng, giảm 12,6 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ quý 2 năm nay công ty không phải gánh khoản lỗ tỷ giá gần 16 tỷ đồng như năm ngoái. Trên bảng cân đối kế toán thể hiện tổng nợ phải trả đến cuối quý 2 là 2.926 tỷ đồng, giảm 112 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn tăng 363 tỷ đồng, lên mức 1.831 tỷ đồng – đây là khoản vay dài hạn đến hạn trả chuyển sang; và vay nợ dài hạn giảm được 346 tỷ đồng, còn gần 39 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí bán hàng giảm được 15 tỷ đồng nhờ giảm mạnh chi phí vận chuyển, chi phí tư vấn phát triển thị trường.
Doanh thu tăng, giá vốn giảm, chi phí tài chính và các loại chi phí khác giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 21,7 tỷ đồng – tăng mạnh so với số lỗ hơn 39 tỷ đồng của quý 2/2017.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu đạt 1.785 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ, thực hiện được 52% kế hoạch năm. Số lãi quý 2 đã giúp BCC xóa hết lỗ quý 1, đồng thời ghi nhận lãi sau thuế 15,43 tỷ đồng – tăng trưởng đột biến so với số lỗ 24,95 tỷ đồng phải chịu trong nửa đầu năm ngoái, dù còn cách rất xa mục tiêu lãi sau thuế 94 tỷ đồng đặt ra cho cả năm nay.
Lượng hàng tồn kho của BCC đến cuối quý 2 còn 735 tỷ đồng, giảm 155 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu do giảm tồn kho công cụ, dụng cụ và giảm tồn kho nguyên vật liệu. Chi phí xây dựng dở dang tăng gần 30 tỷ đồng, do tăng đầu tư xây dựng vào dự án mới. Tổng giá trị xây dựng dở dang ở dự án này hơn 214 tỷ đồng.
Tính hình sản xuất kinh doanh của BCC đã cải thiện đáng kể được cho là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu này bứt phá mạnh từ đầu tháng 7 đến nay. Không chỉ cổ phiếu BCC, mà một số cổ phiếu ngành xi măng cũng đều bứt tốc, do hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ xi măng đều tăng mạnh. Điều này giúp cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xi măng khởi sắc trở lại.
Cụ thể, theo số liệu cập nhật của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sản phẩm xi măng tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu ước đạt khoảng 7,88 triệu tấn trong tháng 9, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, ngành xi măng có tổng 72,82 triệu tấn sản phẩm xi măng được tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 85% kế hoạch của cả năm. Trong đó, tiêu thụ sản phẩm nội địa đạt 49,54 triệu tấn và xuất khẩu đạt 23,28 triệu tấn.
So với mục tiêu kế hoạch đề ra, sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng đã về đích sớm, vượt 3 – 4 triệu tấn so với kế hoạch xuất khẩu cả năm 2018 là từ 18- 19 triệu tấn.