Đánh giá về cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành bất động sản hoặc có một phần hoạt động trong ngành bất động sản, các công ty chứng khoán (CTCK) nhận định, dư địa cổ phiếu nhóm ngành này vẫn còn, thị giá sẽ tăng cùng với sự cải thiện về kinh doanh thời gian tới.
Sôi động trở lại
Kể từ giữa tháng 7 tới nay, cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh đã có sự hồi phục mạnh mẽ, từ vùng giá 20.100 đồng/cp (phiên 11/7) lên 26.400 đồng/cp (phiên 27/7), tương đương mức tăng đạt 31,3%.
Thậm chí, DXG gây ấn tượng mạnh trên sàn chứng khoán khi được các quỹ do Dragon Capital quản lý liên tiếp mua vào gần 10 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 65,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 19,03% và trở thành nhóm cổ đông ngoại lớn nhất tại doanh nghiệp này.
Tương tự, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng có đà tăng ấn tượng trong những phiên giao dịch từ giữa tháng 7 tớ inay. Theo đó, DIG đã tăng 15,3% từ vùng giá 13.700 đồng/cp (phiên 11/7), lên 15.800 đồng/ cp (phiên 27/7).
Trước đó, DIG đã từng là một hiện tượng trên sàn chứng khoán sau khi được Nhà nước thoái vốn và được các quỹ ngoại gom mạnh, đã thiết lập đỉnh mới 28.450 đồng/cp hồi cuối tháng 3/2018.
Tuy nhiên, cùng với biến động của thị trường trong quý II/2018, DIG đã giảm gần một nửa từ mức đỉnh.
Mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt đã mua vào 11 triệu cổ phiếu DIG từ ngày 27/6 đến ngày 24/7/2018, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 9,3% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Không chỉ Chứng khoán Bản Việt mà trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 tới giữa tháng, nhiều lãnh đạo của công ty cũng đồng loạt mua vào cổ phiếu này.
Nói đến cổ phiếu bất động sản, không thể không nhắc tới VIC, đây là một trong những nhân tố chính dẫn dắt toàn thị trường chứng khoán trong suốt một thời gian dài kể từ quý IV/2017 tới nay.
Thị trường ở trạng thái điều chỉnh nhưng VIC vẫn luôn giao dịch ổn định với những phiên tăng giảm xen kẽ. Hiện cổ phiếu VIC đang giao dịch tại mức giá 106.400 đồng/ cp, thanh khoản luôn duy trì tại mức hơn1 triệu đơn vị mỗi phiên.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản không chỉ tập trung ở những “ông lớn” mà còn lan tỏa ra cả những mã có vốn hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ như : FLC, LDG, NLG…
Điển hình là FLC tăng mạnh 28,1% từ mức giá 4.760 đồng/cp (phiên 11/7) lên 6.100 đồng/ cp (phiên 27/7), luôn ghi danh trong danh sách những cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh khủng, đứng nhất nhì sàn HoSE.
Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu này tăng trần lên 5.980 đồng/cp, thanh khoản đạt hơn 26,8 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Kỳ vọng tăng trưởng
Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ thành viên lớn nhất do Dragon Capital quản lý, tổng tài sản của quỹ tính tới ngày 19/7 đạt 1,44 tỷ USD.
Trong danh mục đầu tư của VEIL, cổ phiếu nhóm ngành bất động sản đã trở thành nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 28,22%, “vượt mặt” nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trong danh sách 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL, nhóm bất động sản góp mặt với các tên: KDH của Nhà Khang Điền chiếm 5,38% tỷ trọng đầu tư, VHM của Vinhomes chiếm 5,09% và DXG của Đất Xanh chiếm 3,01%.
Lý giải về chiến lược đầu tư, ông Vũ Hữu Điền – Phó TGĐ Dragon Capital, cho rằng thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng do được hỗ trợ về kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian tới, năm 2018 là năm bàn giao và hạch toán các dự án đã triển khai bán hàng và đầu tư trong vòng hai năm trở lại đây.
Thực tế đã chứng minh, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh với những khoản lợi nhuận tăng vọt so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong hai quý đầu năm, DXG lãi ròng đạt 432 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ và hoàn thành 40% kế hoạch kinh doanh năm. Tính từ đầu năm đến nay, DXG đã phân phối hơn 10.000 sản phẩm qua hệ thống, tăng 77% so với cùng kỳ.
Đặt kế hoạch thời gian tới, Đất Xanh dự kiến bắt đầu bàn giao hai dự án Opal Garden, Luxgarden trong quý III/2018. Song song với đó, tập đoàn cho biết sẽ ghi nhận toàn bộ doanh thu – lợi nhuận tại hai dự án này cũng như các dự án thứ cấp như Dragon Smart City, Saigon Skyview… trong hai quý cuối năm 2018.
Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận 240,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt mức tăng trưởng 91% so với cùng kỳ là Phát Đạt Real (PDR), nhưng cũng mới chỉ hoàn thành 38% kế hoạch năm.
Trước đó, CTCK HSC cũng dự báo nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2018 khả quan.
Theo HSC, 6 công ty bất động sản niêm yết là VIC, NVL, DXG, NLG, KDH, SJS chiếm 82,7% vốn hóa toàn ngành bất động sản, sẽ tăng trưởng 47% về doanh thu trong năm 2018, đạt 161.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng 38%, đạt 1.500 tỷ đồng năm 2018.
Mặc dù có triển vọng khả quan nhưng vẫn cần có sự thận trọng với kỳ vọng của các doanh nghiệp địa ốc. Khi mô hình kinh tế tiếp tục dựa vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, rủi ro tín dụng bất động sản là vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư cần “để mắt” tới.
Hay những rủi ro liên quan tới bùng phát tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng về chất lượng căn hộ, tình trạng nhiều chung cư không đảm bảo PCCC, việc bàn giao sản phẩm với chất lượng kém có thể ảnh hưởng không nhỏ tới chu kỳ sau của thị trường.