Theo đó, ASA sẽ tạm ngừng giao dịch trên sàn HNX từ ngày 20/9, do HNX xét thấy cần thiết để bảo bệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Đồng thời, HNX sẽ có thông báo cho phép cổ phiếu ASA được giao dịch trở lại hoặc chuyển sang diện cảnh báo/kiểm soát sau khi Công ty khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch theo quy chế niêm yết.
Trước đó, cổ phiếu ASA bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 14/05/2018 do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2017 quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin. Và đến hiện tại (ngày 18/09), ASA vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán 2017 cũng như soát xét 6 tháng 2018.
Cổ phiếu ASA giảm đều từ đầu năm 2018, kết phiên chiều 18/09/2018 tại mức giá 700 đồng/cp, tương ứng giảm 82,5% so với đỉnh 4.000 đồng/cp đầu năm. Cổ phiếu ASA gần đây có nhiều phiên mất thanh khoản, đan xen với số ít phiên dồi dào; khối lượng giao dịch bình quân trong tháng gần nhất ở mức 45.068 cp/ngày.
ASA tiền thân là chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Sana thành lập năm 2007, kinh doanh ở 3 sản phẩm chính là thép, nước tinh khiết và sản phẩm chăm sóc da, tóc. Công ty có sản phẩm chủ lực là nước uống Aquaplus, dầu gội cùng sữa tắm mang nhãn hiệu eBonny.
Tại thời điểm ASA lên sàn năm 2012, Công ty có 4 cổ đông lớn đều thuộc HĐQT sở hữu chi phối gần 60% vốn, gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Nam nắm giữ 18,67% vốn (trong đó, đại diện cho Công ty TNHH Thương mại SaNa là 14%), ông Dương Viết Dũng 6,35%, ông Trần Minh Chính 13,74% và ông Nguyễn Văn Đông 21,33%.
Năm 2013, khi tăng vốn lên 100 tỷ đồng thì ASA chỉ còn 2 cổ đông lớn, cũng thuộc danh sách đề cập ở trên, là ông Nguyễn Văn Đông (6,4% vốn) và Công ty TNHH Thương mại Sana (5,6% vốn) với sự thay thế chức vị Chủ tịch từ ông Nam sang ông Đông.
Điểm bất thường của ASA là việc HĐQT thông qua việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 470 tỷ đồng với giá 10,000 đồng/cp vào ngày 6/1/2018.
Mục đích sử dụng vốn cho đợt phát hành lần này là điều khiến các nhà đầu tư quan tâm. Cụ thể, số tiền 370 tỷ đồng dự kiến thu được sẽ dùng để mua phần vốn góp tại Tập đoàn EDX là 150 tỷ đồng, mua vốn góp Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Công nghệ Thăng Long Thanh Hóa là 150 tỷ đồng, chi 50 tỷ đồng mua vốn góp tại Công ty TNHH MTV Antana Food và còn lại 20 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Điểm đặc biệt, phần lớn các khoản rót vốn của ASA ở trên đều là những đơn vị gắn liền với HĐQT mới của công ty, cụ thể Tập đoàn EDX do chính ông Nguyễn Đình Hùng (Chủ tịch ASA hiện tại) làm Chủ tịch HĐQT. Ông Hùng là người góp vốn lớn nhất vào EDX, giá trị hơn 105 tỷ đồng, chiếm hơn 51% vốn điều lệ tính đến quý 3/2017. Còn Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Công nghệ Thăng Long Thanh Hóa – đơn vị mà ASA dự kiến bỏ 150 tỷ đồng làm vốn góp – có vốn điều lệ 95 tỷ đồng, trong đó ông Vương Tấn Đạt (Thành viên HĐQT ASA) sở hữu 855.000 cp, tương ứng 90% vốn.
Năm 2017, tổng doanh thu của ASA đạt mức 70,5 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2016. Thêm vào đó, giá vốn tăng lên đáng kể khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh. Bên cạnh đó, lợi nhuận khác ghi nhận âm nhiều hơn so với năm 2016 cũng góp phần kéo lợi nhuận sau thuế của ASA xuống chỉ còn 400 triệu đồng, giảm tới hơn 70% so với kết quả năm trước.
Sang năm 2018, theo BCTC quý 2, doanh thu của ASA cũng sụt giảm mạnh còn 1,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 23 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của ASA chỉ đạt 15,1 tỷ đồng, giảm 68%, và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 25,6 triệu đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.