Tại Hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) và thoái vốn nhà nước tại DN” ngày 12/6, các chuyên gia cho rằng tất cả DN khi bán vốn đều hướng tới mục tiêu làm sao để bán được với giá cao nhất. Tuy nhiên, nếu mục tiêu chỉ để có tiền thì tương đối dễ.
“CPH và thoái vốn DNNN phải xác định bán cho ai chứ không phải bán cho bất kỳ ai. Không phải vì tiền, mà quan trọng là giữ thương hiệu quốc gia, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng”, một chuyên gia khuyến nghị.
Ì ạch CPH, thoái vốn
Hiện nay, quá trình CPH, thoái vốn DNNN đang bị đánh giá diễn ra chậm chạp, làm không ít nhà đầu tư nản lòng, mất niềm tin.
Nguyên nhân chậm chạp là vì vướng nhiều khó khăn. Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, kể lại câu chuyện cách đây mấy năm có một công ty nước ngoài rất muốn mua cổ phần của một DNNN đang thoái vốn nhưng vì DN này không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh nên nhà đầu tư không thể tiếp cận.
“Chúng ta nên thống nhất quy trình công bố thông tin. Khi nào đi roadshow ở Hàn Quốc, London, khi nào không cần đi, khi nào cần bản cáo bạch bằng tiếng Anh”, ông Dương nêu vấn đề.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT Việt Nam, nhiều DNNN chưa được chuẩn bị tốt cho việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là do thông tin cung cấp bởi DNNN còn kém chất lượng, chủ nghĩa thân hữu còn phổ biến trong việc lựa chọn nhà cung cấp, định giá tài sản đất đai còn phức tạp.
Từ thực tiễn triển khai bán vốn nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại các công ty cổ phần, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC, đánh giá hiện nay vẫn còn nhiều lúng túng trong việc cân nhắc, hài hòa giữa các mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước với việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược giúp phát triển DN.
Trên thực tế, sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào khu vực DNNN còn rất hạn chế. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ vốn nhà nước thực bán qua CPH và thoái vốn chỉ chiếm khoảng 7,5% của tổng số vốn nhà nước nắm giữ. Điều này đã dẫn đến một vấn đề đáng lo ngại là việc tham gia vào HĐQT của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức.
PGs.Ts. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), chia sẻ: “Quan sát về vai trò nhà đầu tư chiến lược vào hoạt động của DN sau CPH, chúng tôi phát hiện thấy có rất nhiều trường hợp việc tham gia vào HĐQT chỉ mang tính hình thức. Các ý kiến, đề xuất cải thiện sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí của họ không được ghi nhận bởi cho dù được gọi là cổ đông chiến lược hay nhà đầu tư chiến lược thì họ vẫn là cổ đông thiểu số. Chính thực tế này đã hạn chế đáng kể những đóng góp của họ để giúp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Theo ông Long, Nhà nước cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược và tạo môi trường để họ tham gia tích cực hơn vào quá trình điều hành hoạt động của DN. Cụ thể, cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ được một lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự ảnh hưởng có ý nghĩa tới hoạt động của DN.
Bên cạnh đó, ông Dương kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình CPH, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng các DN được CPH. Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn, Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thu kịp.
Liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin, bảo đảm cho công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời, ông Dương nhấn mạnh một trong những vấn đề cần được cải thiện là công tác thông tin đến công chúng.
Ông đề xuất: “Theo định kỳ 6 tháng hoặc ít nhất là hàng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về kế hoạch CPH/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua, những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch.
Lo mất thương hiệu
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng mà Nhà nước cần quan tâm là phải đảm bảo sự phát triển bền vững sau khi CPH, thoái vốn tại DNNN thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố kinh tế.
Ông Don Lam, Phó Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, đánh giá CPH DNNN giống như việc Nhà nước tổ chức kén rể cho con gái, khi tìm hiểu kỹ nhân thân, lai lịch chú rể mới chắc chắn bảo vệ hạnh phúc cho con gái.
Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng trong thời gian gần đây, việc duy trì ngành nghề kinh doanh, giữ gìn thương hiệu đã được luật hóa bằng quy định của Nhà nước, nhưng thực tế triển khai vẫn chưa đạt kết quả do thiếu vắng những nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư có khả năng đáp ứng được mục tiêu bảo vệ thương hiệu của DN.
Ví dụ trường hợp CPH Hãng phim truyện Việt Nam – một thương hiệu điện ảnh có tuổi đời gần 60 năm. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim và không mặn mà phát triển mảng sản xuất phim.
“Khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Chính phủ cần phải nhận biết nguy cơ rằng nhiều nhà đầu tư sẽ không có ý định giữ lại các thương hiệu được mua”, theo nghiên cứu của công ty tư vấn quốc tế Landor, khoảng 56-76% số thương hiệu được mua lại đều đã bị thay đổi sau 7 năm tùy vào từng ngành.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra một số vốn lớn để mua hình ảnh, hệ thống phân phối hiện tại của DN chứ không hẳn là mua thương hiệu để tiếp tục đầu tư, phát triển dựa trên thương hiệu đó.
Ông Ngô Trí Long cho rằng bên cạnh việc CPH, thoái vốn tại DNNN với mức giá hợp lý và không làm thất thoát tài sản, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp.
“Nhà nước cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có khả năng bảo vệ thương hiệu Việt và duy trì ngành nghề kinh doanh chính, dày dạn kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của DN sau CPH, thoái vốn”, ông Long khuyến nghị.