Trong bất kỳ thị trường nào, kể cả thị trường chứng khoán (TTCK), cung – cầu luôn là yếu tố quyết định sự đi lên hay đi xuống của giá cả. Bối cảnh TTCK hiện tại đang bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố cầu, dòng tiền vào thị trường đang hạn hẹp, vì vậy để có được sự bứt phá cho các chỉ số lúc này, nhiều chuyên gia cho rằng đó là điều phi thực tế.
Khối ngoại rút lui
Mặc dù chỉ số CPI tháng 6 có phần giảm xuống, nhưng nhìn chung lạm phát hiện vẫn đang ở mức rất cao. Chính vì vậy, việc lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm, nhưng nhà đầu tư (NĐT) vẫn chưa thực sự trở lại TTCK. Rõ ràng, diễn biến giao dịch hiện nay đang phản ánh rằng NĐT vẫn chưa tin tưởng vào khả năng chính sách tiền tệ có thể nới lỏng trong thời gian tới.
Trên thực tế, NĐT không tháo chạy ồ ạt, nhưng rõ ràng họ đang từng bước rút dần tiền ra khỏi thị trường, đó chính là diễn biến chủ đạo của tuần giao dịch đầu tháng 7/2011. Hoạt động mua vào bán ra khá rời rạc, thể hiện tâm lý chán nản và mất niềm tin đối với thị trường.
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Quốc Tế (VIS) thì tổng giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn chỉ ở mức 665,8 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền đang có xu hướng cạn dần và tâm lý NĐT đang mất dần niềm tin đối với thị trường.
Cụ thể, sau tuần mua ròng mạnh vào cuối tháng 6, NĐT nước ngoài lại tiếp tục xu hướng bán ròng trên sàn TP.HCM mặc dù giá nhiều cổ phiếu đã sụt giảm về mức thấp nhất. Lũy kế cả tuần, NĐT đã bán ròng 40 tỷ đồng trên sàn này. Động thái này cho thấy khối ngoại hiện nay có cái nhìn khá tiêu cực đối với sự khởi sắc của thị trường.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng thừa nhận, trong thị trường thanh khoản kém, vai trò của NĐT nước ngoài trong thời gian trước rất lớn. Với các hoạt động giữ giá các cổ phiếu lớn như BVH, MSN, VIC, họ đã thành công trong việc giữ vững chỉ số VN- Index.
Tuy nhiên trong tháng 6, các NĐT đã bán ròng trong nhiều phiên dù giá trị mua ròng vẫn đạt xấp xỉ 790 tỷ đồng, nhưng hầu hết là mua khoảng 7 triệu cổ phiếu VNM. Động thái của NĐT nước ngoài trong thời gian gần đây cho thấy sự tin tưởng của khối ngoại đối với TTCK Việt Nam đang mất dần, đây là thông tin tiêu cực cho thị trường.
Èo uột nguồn cầu
Như vậy, mặc cho tháng 7 có những cuộc IPO lớn nhất từ trước đến nay (như sắp tới sẽ có 1,07 tỷ cổ phần của Petrolimex được chào bán công khai vào cuối tháng với giá khởi điểm 15.000 đồng/cổ phiếu) thì cũng như đối với VNSteel, phần lớn NĐT không thực sự kỳ vọng vào khả năng thành công của đợt IPO này.
Bởi lẽ, khó khăn còn tồn đọng của nền kinh tế, sự hạn hẹp về dòng tiền đầu tư dài hạn cho TTCK và sự hấp dẫn hiện tại của các cổ phiếu đang được niêm yết trên hai sàn.
Thêm vào đó, dự thảo Thông tư về tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thay thế cho Thông tư 13 và Thông tư 19 càng khẳng định nguồn cầu của thị trường sẽ ít dần. Vì theo quy định của dự thảo này, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay chứng khoán tối đa 3% vốn tự có và với nguồn vốn tự có hiện khoảng 233.612 tỷ đồng, tín dụng vào chứng khoán chỉ còn khoảng 7.000 tỷ đồng.
Như vậy, so với quy định trước, (tổ chức tín dụng được cho vay chứng khoán tối đa 20% vốn điều lệ, tương đương 42.000 tỷ đồng), lượng vốn vào TTCK sẽ giảm đến 6 lần, và thấp hơn khoảng 3 lần so với dư nợ thực tế hiện tại.
Cũng liên quan tới Thông tư 13 và 19, theo một số thông tin, khả năng 4 ngân hàng thương mại lớn là Agribank, BIDV, CTG, VCB và cộng thêm STB sẽ phải ngừng cho vay chứng khoán bởi tỷ lệ CAR không đáp ứng quy định. Áp lực về nguồn tiền trong tương lai sẽ khó khăn hơn, và nguy cơ bán tháo cổ phiếu sẽ xảy ra khi áp lực thu nợ được tiến hành nếu quy định này có hiệu lực.
Lợi nhuận kém khả quan của các doanh nghiệp
Tính theo số liệu hiện tại mà các Công ty Chứng khoán công bố thì có thể thấy rằng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trên sàn trong quý I/2011 không mấy lạc quan, doanh thu tăng trưởng đến 50% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận chỉ tăng 2,4%.
Có thể thấy rằng sự gia tăng này chỉ xảy ra ở một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách như các doanh nghiệp cao su, dược và dầu khí, hoặc các doanh nghiệp lớn (VNM, MSN, DPM,…). Còn lại lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề.
Tháng 7/2011, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp sẽ được công bố, khả năng lợi nhuận không mấy khả quan và có thể thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao và bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách.
Tuy nhiên, khả năng ảnh hưởng của kết quả kinh doanh chỉ ở mức cục bộ lên từng cổ phiếu, thị trường sẽ ít bị tác động bởi thông tin này vì các doanh nghiệp có vốn hóa lớn có khả năng vẫn đạt lợi nhuận tốt.
Từ thực tế trên, khi được hỏi thì hầu hết các chuyên gia chứng khoán đều có lời khuyên rằng, trước bối cảnh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về kinh tế vĩ mô, các phiên tăng điểm của thị trường trở nên rất ngắn, NĐT hiện nay nên duy trì tỷ lệ tiền mặt ở mức cao.