Tuy nhiên đến, thời điểm hiện nay quá trình thoái toàn bộ phần vốn này vẫn chưa được tiến hành. Liệu có hay không cơ hội thoái hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này?
Nhiều lo ngại không thoái hết vốn.
Hiện tại EEMC đã là công ty cổ phần, cổ phần nhà nước mà EVN là đại diện đang chiếm 46,58% (13.131.632 cổ phần), các cổ đông còn lại bao gồm nhóm cổ đông của Gelex (khoảng 46%) và các cổ đông khác.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương tại Công văn số 1641, EVN đã đưa ra phương án: số lượng cổ phiếu được chào bán là 13.131.632 cổ phiếu. Mức giá bán được tính theo giá bán của ngày thực hiện giao dịch là giá trần của phiên dịch (Biên độ giao dịch theo quy định của sàn Upcom là + 15%), nhưng không thấp hơn giá giao dịch bình quân trên thị trường của cổ phiếu TBD tại các phiên gần nhất với ngày công bố, và không thấp hơn 37.100 đồng/cp theo Công văn 1641. Hình thức đặt lệnh trực tuyến trên tài khoản giao dịch chứng khoán của EVN. Phương thức giao dịch là khớp lệnh theo quy định của sàn UPCOM – Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Theo đó, kế hoạch thực hiện giao dịch sẽ chia số lượng 13.131.632 cổ phiếu TBD để bán trong 6 phiên giao dịch. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 02/4 – 27/4/2018 (20 ngày, tương đương 20 phiên giao dịch) tại Thông báo giao dịch số 1231/EVN_QLV ngày 15/3/2018 của EVN.
Tuy nhiên, theo EVN do tình hình giao dịch thực tế của thị trường đối với cổ phiếu TBD biến động bất thường, giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường đã vượt xa giá trị thực của EEMC. Đặc biệt, nếu EVN bán thành nhiều đợt thì nhà đầu tư có thể chỉ mua đủ tỷ lệ chi phối, và EVN có thể không thoái hết 13.131.632 cổ phiếu TBD của EVN như chỉ đạo của Bộ Công Thương và Quyết định số 852/QD-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 – 2020.
Nên nắm bắt cơ hội
Theo nhiều chuyên gia tài chính, việc EVN lo ngại nếu bán thành nhiều đợt thì nhà đầu tư có thể chỉ mua đủ tỷ lệ chi phối và EVN không thoái hết được toàn bộ phần vốn tại EEMC là có cơ sở hợp lý, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Bên cạnh đó, hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm mua toàn bộ số cổ phần này theo phương thức đấu giá trọn lô với mức giá cao. Đây được xem là một trong những cơ hội lớn để thoái hết toàn bộ phần vốn Nhà nước tại EEMC, đảm bảo được giá nhất.
Có thể kể đến 1 trong 2 nhà đầu tư xin mua toàn bộ 13.131.632 cổ phiếu của TBD mà Nhà nước đang nắm giữ là công ty TNHH Hyosung Việt Nam. Trong thư đề nghị gửi EVN ngày 15/5/2018 về việc mua toàn bộ 13.131.632 cổ phiếu TBD theo phương thức đấu giá trọn lô, được quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP. Đặc biệt, mức giá mà Hyosung đưa ra được xem là khá hấp dẫn, ở mức 90.000 đồng/cổ phiếu hoặc cao hơn. Như vậy, nếu chấp thuận phương án này, Nhà nước sẽ thu về hơn 1.181 tỷ đồng, tương đương với hơn 51 triệu USD hoặc cao hơn. Theo tính toán, nếu bán với mức giá và phương thức trên, chênh lệch so với giá trị đầu tư trên sổ kế toán của EVN sẽ ở mức hơn 1.125 tỷ đồng. Đây là mức giá được nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá là rất hấp dẫn, có lợi cho nhà nước. Đây cũng là đề xuất, kiến nghị của EVN về việc thoái toàn bộ phần vốn tại EEMC gửi Bộ Công Thương cuối tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể nào. Trao đổi với chúng tôi, một quan chức của Bộ Công Thương khẳng định, hiện Bộ vẫn chưa quyết định và đang tiếp tục xem xét các phương án, theo phương thức nào để mang lại hiệu quả cao nhất.
Trong khi chờ đợi Bộ Công Thương quyết định thì các nhà đầu tư lại đang sốt ruột. Ngày 20/8, công ty Hyosung lại tiếp tục có Thư xác nhận gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN về việc khẳng định tiếp tục muốn mua toàn bộ 13.131.632 cổ phần chào bán của TBD và mong muốn việc này được tiến hành càng nhanh càng tốt, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như thuận lợi trong việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại EEMC.
Lựa chọn phương án nào, đấu giá thông thường hay đấu giá trọn lô như đề xuất của EVN và Thư đề nghị của công ty Hyosung, Bộ Công Thương cần sớm có quyết định. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu khi đấu giá thông thường, nhà đầu tư chỉ mua khoảng 10% để đủ quyền chi phối thì việc thoái toàn bộ phần vốn có được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, mức giá bán ra và số tiền mà Nhà nước thu về là bao nhiêu? Một vấn đề khác đặt ra là khi đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý sẽ như thế nào?…