Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dự báo nhu cầu gỗ của thế giới tăng cao trong năm 2015 và nhiều hiệp định thương mại đã, đang chuẩn bị được ký kết đem lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành gỗ. Nếu tận dụng tốt các cơ hội này, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD mang lại sự tăng trưởng rất lớn.
Xuất khẩu sẽ thuận lợi
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp gỗ đang chuẩn bị những chứng nhận về xuất xứ nguồn gốc gỗ. Nhiều sản phẩm gỗ mới đang có nhu cầu lớn như gỗ ghép thanh, ván nhân tạo… đang được đầu tư sản xuất để phục vụ cho việc xuất khẩu trong năm 2015.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản… đang ấm dần khiến nhu cầu nhập khẩu gỗ tăng cao. Mỹ cũng đang tạo áp lực về thuế chống bán phá giá với Trung Quốc – quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn nhất thế giới – cũng tạo cho nước ta nhiều thuận lợi để gia tăng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh, cho rằng thách thức lớn của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam hiện nay là phải đối mặt với việc gia tăng xu hướng bảo hộ của Chính phủ các nước đối tác.
Các doanh nghiệp ngành gỗ niêm yết trên thị trường đã có bước phát triển khá ấn tượng
Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp trong ngành phải chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp, bảo đảm nguồn gốc của sản phẩm. Vì vậy, để tự cứu mình, các doanh nghiệp nên tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre; xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành gỗ niêm yết trên sàn đã từng bước cải tổ mạnh mẽ, nhiều đơn vị vượt qua khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu như những năm trước, các công ty đầu ngành là Gỗ Trường Thành và Tập đoàn Đức Long Gia Lai còn chìm ngập trong khó khăn, cổ phiếu rơi về mức thấp chỉ còn vài nghìn đồng thì trong năm 2014, cả hai doanh nghiệp này đang tăng tốc phát triển khá ấn tượng.
Mặc dù đã tái cơ cấu mạnh mẽ nhưng việc khai thác chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Đức Long Gia Lai (DLG).
Cơ hội của DN niêm yết
Năm qua, nguồn cung chủ yếu cho mảng kinh doanh này đến từ khu vực rừng cao su mà công ty tự trồng và cây gỗ cao su thanh lý từ Tổng Công ty Cao su Việt Nam với diện tích khoảng 2,520 ha/năm. Năm 2014, công ty thu về gần 54 tỷ đồng lãi ròng cho các dòng sản phẩm từ gỗ, tăng gấp nhiều lần so với những năm trước.
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, năm 2015, DLG sẽ không đặt mục tiêu cao tại mảng sản xuất này do tập trung năng lực tại một số mảng kinh doanh chiến lược khác. Doanh thu kỳ vọng của mảng sản xuất gỗ trong năm 2015 chỉ khoảng 120 tỷ đồng, dự tính chiếm 8% trong cơ cấu doanh thu.
DLG đã phát hành riêng lẻ thành công 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, 5 triệu trái phiếu chuyển đổi cho Quản lý Quỹ Thăng Long (TLCF). Công ty cũng phát hành 20.4 triệu CP để hoán đổi cổ phiếu Mass Noble tỷ lệ 1:1.43 nhằm triển khai chiến lược trở thành tập đoàn đa ngành.
Trong khi đó, Gỗ Trường Thành (TTF) vẫn tập trung vào giá trị cốt lõi của mình là các sản phẩm về gỗ. Năm ngoái, công ty đã cải tổ mạnh mẽ, tháo gỡ được áp lực nợ vay ngắn hạn. Đặc biệt, TTF đã bán được gần 900 tỷ đồng cho Công ty Mua bán Nợ và Tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (DATC), giảm gánh nặng chi phí lãi vay.
Chỉ tính riêng quý IV/2014, TTF đã thu về gần 113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp nhiều lần so với những năm trước. Sau khi có được lợi nhuận tốt, TTF đã lên kế hoạch phát hành thêm 40 triệu cổ phiếu, giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn gần 1.500 tỷ đồng.
Phương án này nếu thành công sẽ đưa chỉ số đòn bẩy tài chính của TTF sớm về ngưỡng an toàn để hợp tác đầu tư với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó sẽ không có lợi cho cổ đông nắm giữ cổ phiếu TTF khi lợi nhuận không thể theo kịp với tốc độ tăng vốn của doanh nghiệp. Sau khi thông tin trên được phát đi, nhiều nhà đầu tư đã xả mạnh cổ phiếu tăng vốn lớn. Thực tế, mức nợ vay lớn vẫn hơn 1.800 tỷ đồng vẫn là những rủi ro rất lớn của TTF.
Còn hai doanh nghiệp khác là Gỗ Đức Thành (GDT) và Gỗ Thuận An (GTA) cũng đã có mức tăng trưởng khá tốt. Công ty Gỗ Đức Thành hiện đang dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp kể trên với mức lãi 2014 đạt 53 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của GDT tăng trưởng đều qua các năm và tiếp tục được hỗ trợ bởi giá gỗ cao su vẫn đang trong xu hướng giảm. CTCK Rồng Việt (VDS), nhận định việc mở rộng nhà máy Tân Uyên, Bình Dương giai đoạn cuối năm được xem là điểm sáng giúp GDT nâng cao công suất đáng ứng đơn hàng mới.