Thị trường giàu tiềm năng
Thống kê mới nhất từ CBRE Việt Nam cho thấy, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó có tới 40% dưới 25 tuổi và hơn 45% có độ tuổi 25 – 54, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng nhất khu vực. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% mỗi hai năm của thu nhập bình quân đầu người (GSO, 2016), dự kiến tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ lên tới con số 33 triệu người vào năm 2020 (BCG, 2013).
Bên cạnh sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, xu hướng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn nhằm tăng trải nghiệm cuộc sống của người dân Việt Nam cũng rõ ràng hơn. Trong năm 2017, Việt Nam đạt được thêm một dấu mốc đáng chú ý, đó là Chỉ số Niềm tin tiêu dùng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đứng thứ 5 thế giới, theo Nielsen.
Chỉ số này cho thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ cũng như tâm lý lạc quan và sự sẵn lòng chi tiêu của người Việt. Người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển dần từ những người tiết kiệm nhất thế giới sang những người chi tiêu thông thoáng nhất.
Nghiên cứu của Nielsen cũng cho thấy, chỉ 63% người Việt lựa chọn tiết kiệm cho khoản tiền nhàn rỗi của mình, thấp hơn 13% so với năm 2016.
Mức độ tiết kiệm giảm đồng nghĩa với chi tiêu cho các nhu cầu du lịch, mua sắm thiết bị công nghệ, nâng cấp nhà cửa và các hoạt động giải trí bên ngoài như ăn uống ở nhà hàng, đi xem phim, ca nhạc… tăng lên. Một xu hướng tiêu dùng khác đó là mức độ quan tâm tới sức khỏe ngày một gia tăng (tập gym, chăm sóc sức khỏe, ăn uống lành mạnh).
Nhà đầu tư nội, ngoại đua nhau mở rộng hệ thống
Sự gia tăng chi trả cho trải nghiệm các dịch vụ là tiền đề quan trọng cho việc bùng nổ của các trung tâm thương mại thời gian qua, trong đó đặc biệt là các mô hình kết hợp mua sắm – giải trí và kiến tạo địa điểm. Trong báo cáo về Chỉ số Phát triển bán lẻ, thực hiện bởi A.T. Kearney, Việt Nam được đánh giá cao nhờ độ bão hòa thị trường còn thấp với khả năng tăng trưởng tốt. Mức độ bão hòa ở cả Hà Nội và TP.HCM đều thấp hơn với một số thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok.
Những triển vọng khả quan nói trên thúc giục các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam. Ghi nhận thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chào đón nhiều thương hiệu quốc tế ở nhiều ngành hàng khác nhau như thời trang, ăn uống, giải trí, cửa hàng chuyên biệt. Trong đó, có nhiều nhãn hàng, hệ thống bán lẻ đã ghi nhận thành công như Lotte và Aeon, Circle K…
Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư danh tiếng tìm cách gia nhập thị trường thông qua những thương vụ M&A như Quỹ Blue HK (Hồng Kông) đầu tư 2,5 triệu USD vào hệ thống rạp chiếu phim Beta Media và Central Group rót thêm 500 triệu USD mở rộng hệ thống, hay chuỗi cửa hàng toàn cầu 7-Eleven đã mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM giữa năm 2017 và chuỗi cửa hàng GS25 (Hàn Quốc) ra mắt vào đầu năm 2018.
Trong khi các nhà bán lẻ nước ngoài đang chiếm lĩnh hầu hết các trung tâm mua sắm lớn thì doanh nghiệp nội âm thầm phát triển thị trường ngách. Chẳng hạn như chuỗi siêu thị thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM – Saigon Co.op hay hệ thống các cửa hàng tiện lợi của VinGroup như Vinmart, Vinmart+… đang len lỏi vào từng khu phố nhỏ, từng khu dân cư. Xác định phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi, việc mở ra những cửa hàng tiện lợi hoặc lựa chọn điểm đông dân cư để mở siêu thị là lý do chính của việc các nhà bán lẻ nội địa đánh vào phân khúc này.
Theo đánh giá của TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sức hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Áp lực cạnh tranh sẽ tăng lên, nhưng điều này không đáng lo với doanh nghiệp nội nếu họ tự nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ.