Trong cuộc họp với Thống đốc NHNN ngày 7/9 vừa qua, các ngân hàng đã thống nhất đưa lãi suất huy động về mức quy định 14%/năm. NHNN cũng đã đưa ra những giải pháp, chế tài quyết liệt để có thể hạ lãi suất, song song với việc hướng dòng tiền vào lĩnh vực sản xuất.
Nếu việc hạ lãi suất được thực hiện đúng như sự đồng thuận, sẽ tạo điều kiện cho hàng ngàn DN khôi phục sản xuất – kinh doanh. Bởi theo ước tính của các chuyên gia, trong số 500.000 DN trên cả nước, hiện chỉ có 2/3 còn hoạt động, do lãi suất quá cao, khó tiếp cận vốn. Hơn nữa, cũng do siết chặt tiền tệ kéo dài đã khiến TTCK suy giảm liên tục, nhiều DN có đầu tư chứng khoán bị thua lỗ nặng, giá cổ phiếu giảm sâu.
Rõ ràng, việc điều hành chính sách tiền tệ có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, quyết tâm hạ lãi suất hiện nay sẽ là làn gió mát thổi qua TTCK.
Một diễn biến tích cực khác là CPI tháng 8 chỉ tăng 0,93% so với tháng 7, mức tăng thấp nhất trong nhiều tháng nay và dự báo sẽ tiếp tục giảm nhiệt. Về thị trường ngoại hối, sau khi phân tích tình hình cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: “Hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011”.
Có lẽ chính do những điểm sáng vĩ mô này mà sau một thời gian dài trầm lắng, vài tuần gần đây, dòng tiền đổ vào TTCK ngày một gia tăng. Theo thống kê, tuần từ 12/8 – 19/8, giá trị giao dịch 2 sàn đạt 4.039,6 tỷ đồng; tuần 22/8 – 26/8, giá trị giao dịch 2 sàn đạt 4.576,3 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 ngày giao dịch trước kỳ nghỉ lễ (27/8 – 1/9), giá trị giao dịch đã đạt 5.627,1 tỷ đồng.
Một sự kiện đáng mừng nữa là liên tục trong tháng 7 và tháng 8/2011, nhiều đoàn xúc tiến thương mại của Nhật Bản đã đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Rồi thông tin về một đoàn nhà đầu tư lớn trên thế giới, dẫn đầu là JP Morgan (Mỹ) vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, chủ yếu là đầu tư gián tiếp thông qua TTCK và thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, là một nhà đầu tư lâu năm, tôi thấy thời gian qua TTCK vẫn chưa được đối xử đúng với vị thế của nó. Điển hình như khi TTCK đã suy giảm nghiêm trọng trong thời gian dài, cơ quan quản lý lại áp dụng các biện pháp hành chính để siết chặt vốn với lý do TTCK không phải là lĩnh vực sản xuất. Điều này khiến hàng triệu nhà đầu tư nản lòng vì chỉ thua lỗ và thua lỗ. Trên thực tế, càng trong lúc khó khăn thì càng cần có sự quan tâm đặc biệt đến TTCK, vì phát triển được TTCK thì hệ thống DN niêm yết sẽ huy động được vốn, tăng khả năng tài chính và có điều kiện giảm giá thành sản phẩm. Chính TTCK đã tạo điều kiện cho nhiều NHTM như ACB, Sacombank… huy động hàng ngàn tỷ đồng vốn, tạo tiềm lực để phát triển bền vững, qua đó đóng góp tích cực cho thị trường ngân hàng.
Chúng ta đều biết TTCK là nơi huy động vốn dài hạn và trung hạn, còn hệ thống NHTM là huy động và cho vay vốn ngắn hạn. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng mức, nên trong mấy năm vừa qua, hệ thống ngân hàng làm cả vai trò dẫn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong khi đó, vai trò của TTCK bị mờ nhạt, có người còn cho rằng chơi chứng khoán chẳng khác gì đánh bạc… Ngay UBCK, cơ quan chủ yếu quản lý TTCK, nhưng quyền lực cũng rất hạn chế, hầu hết quyết định đều phải trình Bộ Tài chính phê duyệt. Vị thế của UBCK cần phải được tăng cường để có thể quyết định một cách chủ động hơn.
Dù về tổng thể, nền kinh tế và TTCK Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng đã xuất hiện những cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư lớn từ bên ngoài. Vấn đề còn lại là niềm tin và khả năng chớp cơ hội của các nhà đầu tư trong nước. Mà niềm tin ấy chỉ có thể được duy trì bởi những chính sách, hành động nhất quán và có thể tiên liệu của cơ quan quản lý, trên cơ sở hiểu đúng vai trò, vị trí của TTCK trong nền kinh tế.