Tại diễn đàn M&A 2018 do Báo Đầu tư tổ chức vào tháng 8 vừa qua, Chủ tịch quỹ Dragon Capital ông Dominic Scriven nhận định quy mô thị trường M&A của Việt Nam hiện đã ngang bằng với Indonesia, Malaysia và trong thời gian tới thị trường M&A của Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt hai thị trường này.
Dòng vốn nước ngoài vẫn đang chảy vào Việt Nam bất chấp thị trường vốn toàn cầu chao đảo trước sức ép của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và động thái tăng lãi suất liên tục của FED. Khác với các thị trường trong khu vực, Việt Nam có câu chuyện riêng về ổn định kinh tế vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng của thị trường tiêu dùng 100 triệu dân. Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi đáng kể khi hàng Trung Quốc chịu sức ép khi nhập khẩu vào Mỹ. Và do đó, dòng vốn từ Châu Á đang đổ về Việt Nam như một mảnh đất hứa đầy tiềm năng.
Theo chia sẻ của ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn Recof (Nhật Bản) tại diễn đàn M&A vừa qua, nếu nhà đầu tư Hàn Quốc ưa thích ngành logistic, lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dược phẩm thì các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều hơn vào hoạt động sản xuất, năng lượng và nông nghiệp.
Cơ hội của các CTCK
Làn sóng đầu tư không chỉ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đón nhận nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư Châu Á, mà còn mở ra cơ hội cho các định chế tài chính trung gian, ở đây là bộ phận ngân hàng đầu tư của các công ty chứng khoán.
Điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước là việc cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin bằng tiếng Anh, chứ chưa nói đến bằng tiếng Nhật, Hàn Quốc… Sự bất đồng về mặt ngôn ngữ, khoảng cách địa lý… chỉ là một phần rất nhỏ rào cản trong một thương vụ đầu tư. Việc thẩm định giá cũng là một khó khăn, khi các doanh nghiệp trong nước muốn định giá công ty ở mức cao, trong khi các nhà đầu tư quốc tế muốn mua cổ phần ở mức hợp lý. Có một số trường hợp, nhà đầu tư Châu Á sẵn sàng trả mức premium khi nhận thấy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ này không nhiều.
Nguồn vốn không thiếu, rất nhiều đối tác sừng sỏ trên thị trường với quy mô hàng chục tỷ USD sẵn sàng rót vốn vào Việt Nam nhưng điều kiện là hai bên phải tìm được tiếng nói chung. Do đó, để một thương vụ thành công cần thiết phải có sự tham gia của các định chế tài chính trung gian trong nước.
Các công ty chứng khoán đã tổ chức hàng trăm chương trình roadshow nhằm đưa các đại diện doanh nghiệp hàng đầu sang thuyết trình tại nước bạn để kêu gọi đầu tư. Cũng có trường hợp, rất nhiều nhà đầu tư Châu Á chủ động tìm kiếm đối tác để giải ngân.
SSI, Bản Việt, HSC, BSC…là các cái tên nổi bật cung cấp các dịch vụ IB. Tuy nhiên nếu xét về dịch vụ cung cấp cho các nhà đầu tư Châu Á thì SSI đang ở thành địa chỉ được tìm đến nhiều nhất của Nhà đầu tư Nhật Bản.
CTCK này đã lập hẳn một trang web tiếng Nhật cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư ở xứ sở mặt trời mọc. Làn sóng phát triển của các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các Công ty chứng khoán hàng đầu như SSI có thể gia tăng hoạt động của mình trong lĩnh vực IB. Không chỉ thực hiện tư vấn các thương vụ M&A, số lượng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường nhiều hơn nên nhu cầu tham gia các đợt IPO, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng tăng cao.
Quan trọng nhất là song hành cùng doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, giám đốc dịch vụ Ngân hàng đầu tư khu vực phía bắc CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI, nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam là rất lớn. Mặc dù vậy, đối tác Nhật Bản rất khó tính trong việc lựa chọn đối tác và thường dành thời gian dài để nghiên cứu tìm hiểu doanh nghiệp cũng như tìm tiếng nói chung với ban lãnh đạo trước khi ra quyết định đầu tư. Theo số liệu thống kê, trước đây, hoạt động M&A của Nhật Bản rất mạnh nhưng tỷ lệ thành công ngày càng giảm, chỉ còn 1/3 năm trước và giảm đi trong 6 năm qua.
Bà Ngọc Anh lấy ví vụ, thương vụ Sojitz đầu tư vào The PAN Group là một thương vụ rất đặc biệt trên thị trường M&A ngành thực phẩm trong thời gian qua.
The PAN Group là một tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm với chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến đầu ra theo mô hình 3F Farm – Food – Family. Sự tăng trưởng thần tốc của The PAN Group trong thời gian qua đã được khẳng định khi các đối tác của Tập đoàn này đều là các tổ chức uy tín trên thị trường như NDH Invest, SSI, CSC Vietnam, IFC, TAEL, Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC), PYN Elite. Do đó The PAN Group có những kỳ vọng rất khắt khe trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược tiềm năng.
Ngoài nhu cầu về vốn, PAN muốn lựa chọn một đối tác cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược của công ty, có thể hỗ trợ PAN không chỉ về mặt tài chính mà quan trọng hơn có thể là một cánh tay nối dài đưa PAN hội nhập sâu hơn ra thị trường thế giới, trở thành một trong những doanh nghiệp thực phẩm và nông nghiệp hàng đầu khu vực.
Do đó, để doanh nghiệp Việt và đối tác Nhật Bản đi đến ký kết cuối cùng, đơn vị tư vấn SSI đã mất gần 2 năm đồng hành cùng hai bên để có thể đạt kết quả viên mãn: đối tác Sojitz – một đại gia trong top 7 hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thực phẩm, nông nghiệp, hàng tiêu dùng tại Nhật Bản mua 14,86 triệu cổ phần PAN thông qua phát hành riêng lẻ, với giá trị thương vụ khoảng 40 triệu USD.
Đây cũng là một trường hợp hiếm hoi trên thị trường M&A ngành thực phẩm mà đối tác chiến lược cùng song hành với công ty chứ không phải đầu tư tài chính hay mua thâu tóm.
Bên cạnh đó, một trong những rào cản của thương vụ là đã từ rất lâu Sojitz không đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết. Mặc dù đã có một số khoản đầu tư vào Việt Nam như Giấy Sài Gòn, Rạng Đông Long An, Thương mại dịch vụ và sản xuất Hương Thủy… đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài Sojitz lựa chọn việc rót vốn vào một doanh nghiệp trên sàn.
Theo ông Ichiro Kawano, giám đốc ngành Thực phẩm và Nông sản Sojitz, tập đoàn muốn đưa công nghệ Nhật Bản kết hợp với nền tảng sẵn có của PAN và tận dụng mạng lưới toàn cầu của Sojitz để phân phối sản phẩm của PAN. Trong khi đó, động thái này sẽ giúp PAN dễ hình thành và thúc đẩy việc triển khai các dự án nông nghiệp và thực phẩm của hai bên tại Việt Nam, cũng như đưa sản phẩm của PAN sang các nước khác trong khu vực.
Do đó, bà Ngọc Anh cho rằng, dấu ấn lớn nhất trong thương vụ PAN – Sojitz là sự cam kết đồng hành chiến lược của một đại gia xuất nhập khẩu Nhật Bản và một tập đoàn nông nghiệp thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Đơn vị tư vấn đã làm cầu nối đưa dòng vốn đến đúng địa chỉ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển lên một tầm cao mới.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, Khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư của SSI đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường thông qua các giải pháp toàn diện cung cấp cho khách hàng như tư vấn phát hành, tư vấn niêm yết, sáp nhập doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác chiến lược….
Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa chính thức đoạt giải “Best Bank in Vietnam for Equity Finance for Real Estate services” (Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam về huy động vốn cổ phần cho các doanh nghiệp bất động sản). Tháng 5/2018, tạp chí FinanceAsia cũng đã vinh danh SSI tại hạng mục “Ngân hàng đầu tư tốt nhất” (Best Investment Banking) và “Nhà tư vấn phát hành cổ phiếu tốt nhất” (Best ECM House).