Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, việc tham gia CPTPP khẳng định xu thế hội nhập của Việt Nam sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn khi Hiệp định được thực thi như khả năng thích ứng còn kém so với tiêu chuẩn đặt ra, nhưng đây lại chính là cơ hội để Việt Nam chuyển mình.
Qua chất lượng của các Hiệp định thương mại tự do đã tham gia ký kết chứng tỏ Việt Nam đã chuyển mình sang giai đoạn mới của hội nhập và độ mở của nền kinh kế đang rất lớn, tạo ra cơ hội để Việt Nam phát triển bền vững.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Hiệp định này đề cập tới nhiều lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DN Nhà nước…
Có thể khẳng định, việc CPTPP được ký sẽ tác động lớn đến khu vực DN và cũng mang lại nhiều hy vọng cho các DN xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, khi Hiệp định thực thi thì các thuế quan sẽ được cắt giảm, điều này sẽ tạo điều kiện cho các DN trong nước mở rộng thị trường, thúc đẩy tiềm năng DN. Nhiều ngành dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng cao hơn từ 4,2-5,3% khi Hiệp định có hiệu lực như thực phẩm, đồ uống, dệt may, hóa chất, thuốc lá, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải…
Khi Hiệp định thực thi sẽ mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam qua các ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác. Bên cạnh các thị trường Việt Nam đã có FTA như Nhật Bản, Úc, New Zealand… thì các DN xuất khẩu Việt Nam còn có cơ hội mở rộng thị trường ra các nước chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Mỹ đã rút khỏi CPTPP khiến các DN xuất khẩu mất đi thị trường quan trọng và lớn nhất, nhưng với sự tham gia của các nền kinh tế lớn cũng đã mở ra cho nền kinh tế, cho các DN Việt Nam cơ hội kinh doanh mới.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, CPTPP là hiệp định rất quan trọng cho ngành dệt may, da giày, mở ra cơ hội xuất khẩu hàng dệt may rất lớn cho DN. Giá trị xuất khẩu sẽ tăng nhờ sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào 11 thị trường trong CPTPP.
Là FTA thế hệ mới, với các cam kết toàn diện hơn về loại bỏ hàng rào thuế quan, các DN Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu đặc biệt là những thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa có FTA song phương. Không những thế, CPTPP mang lại là cải thiện giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Bởi các cam kết CPTPP đòi hỏi xuất xứ hàng hóa từ nguyên phụ liệu, là động lực để DN xuất khẩu làm hàng ODM (hàng hóa từ gốc), cải thiện giá trị thặng dư hàng hóa dệt may xuất khẩu so với làm hàng gia công. Để tận dụng cơ hội này, các DN cũng cần phải nỗ lực trong việc nâng cao giá trị, nâng cao năng lực quản trị cũng như thực hiện đúng các cam kết đối với các thị trường để có thể nâng giá trị xuất khẩu.
Trên thực tế, đa số DN là DNNVV nên việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Hiệp định là điều không dễ dàng. CPTPP đặt ra các yêu cầu cho các DN phải chủ động tìm hiểu luật chơi, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển từ sự cạnh tranh từ bên ngoài.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để có thể trụ vững trước cạnh tranh CPTPP, DN cần tìm hiểu kỹ những cam kết, nhất là quy định pháp luật, trong hiệp định, nhất là những điều khoản liên quan tới DN mình. Song song với đó là phải đầu tư vào khoa học, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng, lợi ích mà CPTPP mang lại rất lớn cho DN nhưng cũng sẽ tạo ra sức ép không hề nhỏ. DN không có cách nào khác là phải chủ động tìm hiểu về nội dung các cam kết, đặc biệt là về cam kết thuế quan, quy tắc xuất xứ để từ đó có chiến lược về nguồn đầu vào, sản xuất, khách hàng để tận dụng được các ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cũng phải tham gia vào quá trình này, bằng việc cung cấp cho DN những thông tin đầy đủ, dễ hiểu nhất về các cơ hội thuế quan, tư vấn để DN hiểu chính xác về quy tắc xuất xứ và cách thức để đáp ứng được các quy tắc này giúp DN không bị mất cơ hội hưởng lợi.
Trong bối cảnh hội nhập, TPTPP mang lại nhiều lợi ích nhưng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cuộc chơi với những thách thức, thậm chí rủi ro lớn hơn. Các DN xuất khẩu Việt Nam đặc biệt là những DNNVV nếu nắm bắt và tận dụng tốt những lợi ích mà CPTPP mang lại sẽ giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới.
Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh, bên cạnh việc tìm hiểu các quy định của hiệp định, tìm hiểu kỹ thị trường 10 nước tham gia hiệp định thì các DN phải cơ bản thay đổi tư duy về quản trị DN. Có như vậy các DN sẽ chủ động hơn khi tham gia vào sân chơi toàn cầu.