Trong khi nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng đang “ngồi trên đống lửa” với đà giảm liên tục kể từ đỉnh, báo cáo của một số công ty chứng khoán lại tỏ ra lạc quan với góc nhìn khác. Theo đó, đà giảm đã đưa nhiều cổ phiếu “vua” về mức hợp lý hơn, tạo điều kiện thuận lợi với những đợt bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược.
VNDChênh lệch giá cổ phiếu ngân hàngCao nhất 3 thángNgày 14/6ACBBIDCTGEIBHDBLPBMBBSHBSTBVCBVIBVPB020k40k60k80kHDB● Cao nhất 3 tháng: 51 800
Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) cho rằng nhu cầu tăng vốn của BIDV đang rất cấp thiết. Tuy nhiên nhà băng này đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn cấp 1 – vốn cơ bản bao gồm vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, cũng như lợi nhuận chưa phân phối.
“Nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn tăng vốn là do giá cổ phiếu tăng mạnh trong 12 tháng qua, dẫn đến thị giá lên mức rất cao đối với một ngân hàng còn nhiều vấn đề phải xử lý”, HSC cho biết.
Việc cổ phiếu BIDV giảm mạnh gần đây, theo HSC, sẽ giúp thay đổi điều này. Theo đó, giá cổ phiếu BID giảm gần 40% so với mức đỉnh đầu tháng 4 có thể là biến động tích cực nếu giúp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trở lại.
BIDV hiện cũng là ngân hàng quốc doanh duy nhất chưa có cổ đông chiến lược với sở hữu Nhà nước đạt 95,28%. Tuy nhiên, BIDV chỉ là một trong số nhiều ngân hàng đang chịu áp lực trước khi hệ thống thực hiện tiêu chuẩn Basel II. Với những quy định khắt khe hơn về cách tính toán tỷ lệ an toàn vốn, không nhiều ngân hàng có thể đáp ứng được điều kiện này ở hiện tại.
Trong báo cáo quốc gia số 17/191, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết việc thực hiện Basel II đối với các ngân hàng Việt Nam sẽ khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm 2-4%. Việc giảm yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 9% xuống 8% theo tiêu chuẩn Basel II sẽ bù đắp cho cách tính khắt khe hơn trước đây. Tuy nhiên Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, danh mục cổ phiếu ngân hàng mà công ty này theo dõi sẽ cần thêm ít nhất 5,7 tỷ USD vốn.
“Chúng tôi ước tính các ngân hàng trong danh mục theo dõi cần ít nhất 124.000 tỷ đồng vốn điều lệ bổ sung nhằm tuân thủ Basel II vào năm 2020”, VCSC cho biết.
Trước đó, trong một báo cáo đầu tháng 3, công ty này đã nhận định, mức vốn hóa khá thấp và mức tăng trưởng cho vay lớn khiến hệ thống ngân hàng trong một số trường hợp chưa đạt Basel II, dù thời gian áp dụng chính thức tuân thủ vào năm 2020.
“Phần lớn vấn đề nằm ở các ngân hàng có vốn của Chính phủ”, VCSC nhận định như vậy và cho rằng có những tin đồn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại Vietcombank, VietinBank và BIDV, nhưng mức giá để được Chính phủ phê duyệt dường như vẫn đang là trở ngại lớn.
Câu chuyện của Vietcombank là một ví dụ điển hình về việc chậm bán vốn liên quan đến việc đàm phán về giá. Phương án phát hành 7,7% vốn của nhà băng này cho quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore kéo dài từ năm 2016 đến nay vẫn chưa thể thực hiện, chủ yếu do nguyên nhân này.