Ông Nguyễn Minh Hải, cổ đông của một ngân hàng có vốn điều lệ trên 8.000 tỷ đồng bày tỏ niềm vui khi thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng, mà mức cổ tức 2017 ông nhận được cũng lên tới hơn 20%. Sau thời gian dài rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng và chờ đợi, ông bảo, đến nay mới thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều nhà băng đã chia mức cổ tức “khủng” và chủ yếu bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II.
Nếu như những năm trước, mức chia cổ tức 10% của ACB được xem là khá cao so với các ngân hàng bạn, thì theo tài liệu Hội đồng quản trị mới công bố gần đây, Ngân hàng dự kiến chia cổ tức năm 2017 theo tỷ lệ 15%. ACB sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 19/4 tới để thông qua các chỉ tiêu kinh doanh cho năm nay. Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2018, gấp đôi năm 2017, ước đạt 5.699 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ACB dự kiến sẽ tăng mức chi trả cổ tức năm 2018 lên đến 30%.
MB vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức 2017 tỷ lệ 15%, cao hơn ước tính ban đầu là 12%. Cổ tức năm 2018 theo dự kiến còn cao hơn con số này. Cụ thể, bên cạnh mức cổ tức 11% (6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu), Ngân hàng còn dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%. Tổng tỷ lệ chia thưởng lên đến 25% là mức cao nhất từ trước đến nay của MB.
Tuy nhiên, tính đến nay, VPBank vẫn là ngân hàng trả cổ tức cao nhất trong ngành với tỷ lệ 30,22% vốn điều lệ. Đồng thời, nhà băng này còn dự kiến chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Tính trên số cổ phần phổ thông hiện nay, tỷ lệ chi trả cổ tức, cổ phiếu thưởng của VPBank lên đến 67%. Tổng giá trị của đợt phát hành này hơn 3.400 tỷ đồng. Tại kỳ Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, Hội đồng quản trị VPBank cho biết, kế hoạch này sau khi được Ngân hàng Nhà nước thông qua, Ngân hàng sẽ phân phối lợi nhuận nhanh nhất cho các cổ đông.
Cổ tức cao không chỉ thuộc về các nhà băng ở top đầu trong khối cổ phần (sau 4 ngân hàng có vốn nhà nước), mà ngay cả với những ngân hàng top sau cũng ấn tượng. VIB vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu. LienVietPostBank chi trả cổ tức 15%, tăng so với 10% của năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 diễn ra ngày 31/3 vừa qua, OCB đã thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14,2%. OCB cũng đang quá trình chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018.
Tại TP Bank, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Minh Phú, bên cạnh kế hoạch lên sàn vào ngày 19/4 tới và chào bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư, có thể TPBank sẽ chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 28% năm nay. Điều này sẽ bù đắp phần nào cho cổ đông khi năm ngoái nhà băng này không chi trả cổ tức, mà xin giữ lại để bù đắp thặng dư vốn cổ phần bị âm.
Ngày 21/4 tới, HDBank sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên và Hội đồng quản trị nhà băng này dự kiến sẽ trình cổ đông phương án trả cổ tức 25 – 30%. Đây cũng là mức cổ tức cao nhất mà nhà băng này chi trả từ trước đến nay.
Để cổ đông ấm lòng, Hội đồng quản trị SCB cũng dành 600 tỷ đồng từ nguồn thặng dư lợi nhuận để lại để chia cổ phiếu thưởng.
Trong khi đó, một số nhà băng chưa vội chia cổ tức để chờ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn mới hấp dẫn được nhà đầu tư như Techcombank, cho dù năm qua ngân hàng lãi hơn 8.000 tỷ đồng. Hay một số trường hợp khác như Eximbank, Sacombank khả năng tại kỳ ĐHCĐ năm nay vẫn trình cổ đông thông qua việc không chia cổ tức. Nguyên nhân là ngân hàng đang giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu và tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu.
Việc không chia cổ tức của một số nhà băng có thể sẽ khiến cổ đông buồn lòng. Thế nhưng, khác với các mùa đại hội trước, cổ đông ngân hàng năm nay đã bớt gay gắt hơn. Một phần do giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá mạnh trong hơn 1 năm qua và vẫn đang được đánh giá có triển vọng khả quan.
Đây cũng là lý do các cổ đông thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt như những năm trước. Vả lại, chính điều này cũng giúp các nhà băng có thể đáp ứng được nhu cầu tăng vốn điều lệ trước áp lực nâng hệ số CAR, theo chuẩn Basel II.