Hai ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khác là Vietcombank và VietinBank đều đã chọn được cho mình những “người bạn đồng hành” tương ứng là ngân hàng Mizuho và Bank of Tokyo Misubishi UFJ. Đây đều là các ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, thị trường cũng đã chứng kiến các cuộc chia tay giữa ngân hàng Việt và các cổ đông chiến lược là ngân hàng của nước ngoài. Mới đây nhất là việc HSBC thoái toàn bộ vốn tại Techcombank và Standard Chartered bán hết cổ phần tại ACB. Xa hơn là các thương vụ thoái vốn của ANZ tại Sacombank và OCBC tại VPBank. Đây đều là các thương vụ hợp tác kéo dài trên dưới 10 năm. Đã không có bất kỳ một thông báo chính thức nào từ các bên về nguyên nhân cũng như đánh giá về kết quả của quá trình hợp tác. Theo nhận định riêng của người viết thì gần như các bên đều muốn chia tay trong sự im lặng, điều đó đồng nghĩa với việc cả hai bên đã không đáp ứng được trọn vẹn những kỳ vọng của nhau trong quá trình hợp tác.
Những biến cố xảy ra tại ACB và Sacombank trong quá khứ, hay những lùm xùm trong việc tranh chấp quyền lực diễn ra tại Eximbank vẫn chưa có hồi kết. Điều đó cho thấy các cổ đông chiến lược nước ngoài – các ngân hàng nước ngoài – dường như chưa phát huy được vai trò của mình tại các ngân hàng Việt. Bởi lẽ, với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển thì họ có thừa kinh nghiệm cũng như trải nghiệm để có thể giúp các ngân hàng của Việt Nam tránh được những biến cố như đã từng diễn ra. Nguyên nhân mấu chốt có thể ở chỗ họ có rất ít cơ hội, nếu không muốn nói là bị cô lập, trong quá trình tham gia điều hành hoạt động hàng ngày. Cái mà họ nhận được có lẽ chỉ dừng lại ở những con số, báo cáo cuối cùng mà tần suất chắc chỉ ở mức độ hàng quí và hàng năm.
Vì sao các cuộc “hôn nhân” trên chưa trọn vẹn như kỳ vọng ban đầu?
Thứ nhất, có lẽ là vì sự tìm hiểu chưa thật sự kỹ càng. Mục tiêu của các bên khi hợp tác chưa được làm rõ một cách thấu đáo. Đây có vẻ là nguyên nhân chính dẫn tới sự hợp tác không thành công trong rất nhiều các thương vụ hợp tác kinh doanh. Kết quả là đã không có sự phân chia quyền hạn và nghĩa vụ một cách rõ ràng giữa các bên.
Thứ hai, có lẽ là do sự khác biệt về văn hóa trong quản trị doanh nghiệp. Đây thực sự là vấn đề của các ngân hàng nói riêng và của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Khả năng cộng tác vốn là điểm yếu nhất mà nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước đều thừa nhận. Do vậy, sau một thời gian thì những xung đột về lợi ích bắt đầu xuất hiện.
Thứ ba, có lẽ các cổ đông ngoại chưa hẳn đã “xịn” theo nội hàm cái tên vốn có: “chiến lược”. Với đặc thù của một nền kinh tế đang phát triển, trình độ của doanh nghiệp và con người cũng vậy, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có cách tiếp cận thận trọng trên nền tảng hiện có. Việc bê nguyên mô hình của nước ngoài vào thì gần như chắc chắn sẽ không thành công.
Vậy đâu được xem là mô hình hợp tác phù hợp giữa ngân hàng Việt và cổ đông ngoại trong thời gian tới?
Sẽ rất khó để đưa ra một câu trả lời trọn vẹn cho câu hỏi ở trên. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng bối cảnh hiện nay của Việt Nam đã khác rất nhiều so với cách đây 10 năm. Trình độ về mặt quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm quản lý của các ngân hàng Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp nói chung đã tốt hơn rất nhiều. Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2008-2011, Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp với tầm nhìn và khát vọng vươn lên tầm khu vực và thế giới. Thông tin về việc Việt Nam hiện có tới bốn tỉ phú đô la Mỹ là một minh chứng cho khát vọng đó.
Các doanh nghiệp như Vingroup, Hòa Phát, Vietjet hay Thaco đâu có cần các cổ đông chiến lược nước ngoài. Cái mà họ cần có lẽ chỉ dừng lại ở nguồn vốn ngoại với chi phí thấp để giúp họ có thể hạ giá thành sản phẩm, qua đó có đủ năng lực và sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế. Các thương vụ bán vốn của các ngân hàng Việt cho các đối tác ngoại gần đây cũng đã và đang dần trả lời cho câu hỏi trên. Đáng chú ý phải kể đến là việc VPBank, HDBank hay sắp tới rất có thể là trường hợp của Techcombank… họ đã chủ động ra nước ngoài tìm kiếm sự hợp tác đầu tư nhằm huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hơn so với trong nước thay vì tìm kiếm các cổ đổng là các ngân hàng ngoại.