Vài năm gần đây, các nhà phân tích nước ngoài gia tăng sự có mặt và ảnh hưởng tại TTCK Việt Nam. Không thể phủ nhận họ đang có đóng góp tích cực cho môi trường phân tích tại TTCK Việt Nam và các báo cáo tiến gần hơn các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Gia tăng hiện diện và sự ảnh hưởng
Năm ngoái, sau khi mua lại 49% vốn góp của Indochina Capital tại CTCK Mekong, ngay lập tức các “ông chủ” Nga lên phương án tìm kiếm một chuyên gia phân tích người nước ngoài.
Khi ấy, David Charles Kadarauch – nhà phân tích đã từng thành danh tại một số thị trường mới nổi, nhận lời mời. Từ đó, bản tin chứng khoán Mekong Tides được thổi vào một luồng sinh khí mới. Bên cạnh góc nhìn độc lập, bản tin không ngại va chạm với các vấn đề thời sự của thị trường như tỷ giá, lạm phát.
Hai năm trước, khi còn dẫn dắt Bộ phận nghiên cứu của CTCK KimEng (KEVS), ông KingYoong đã tạo được dấu ấn với bản tin ngày của KEVS. Nét khác lạ đến từ việc các khuyến nghị “lướt sóng” luôn cập nhật kết quả lỗ/lãi hàng ngày của những khuyến nghị trước đó.
Sau khi ông KingYoong rời Việt Nam vì lý do sức khỏe, một vài lần thử nghiệm không được như ý với các nhà phân tích trong nước, KEVS lại tìm kiếm chuyên gia nước ngoài. Nếu không có gì thay đổi, giữa tháng 7/2011, một chuyên gia người Mỹ sẽ xuất hiện.
Trước khi trở thành Giám đốc phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), ông Marc Djandji đã gắn bó với TTCK Việt Nam 7 năm, phần lớn thời gian ở CTCK Horizon. Sau nửa năm về VCSC, nhà phân tích người Canada này tiếp quản Phòng phân tích của VCSC. Gần đây, các tổ chức nhận xét, báo cáo của VCSC đã được nâng tầm về chất lượng và cách thể hiện.
Dù hai lần nói lời xin lỗi giới đầu tư do dự báo sai, nhưng Fiachra Mac Cana, Trưởng bộ phận Phân tích của CTCK HSC vẫn được coi là nhà bình luận thị trường sắc sảo và có uy tín. Các cuộc hội thảo, phân tích có chuyên gia người Iceland này diễn thuyết đều thu hút rất đông NĐT.
Các nhà phân tích nước ngoài cũng hiện diện tại nhiều CTCK khác như cây viết báo cáo một thời của Merrill Lynch là Spencer White đang làm việc ở CTCK Thiên Việt; chuyên gia phân tích trái phiếu Francois Chavasseau đang làm việc tại CTCK Sacombank; Jerry Chen, chuyên gia phân tích người Đài Loan đang làm cố vấn cho CTCK Miền Nam… Chưa kể một loạt CTCK mà nước ngoài sở hữu 49% vốn có các chuyên gia, cố vấn phân tích nước ngoài đi về như con thoi.
Những dấu ấn riêng
Trong bối cảnh TTCK có diễn biến xấu kéo dài và phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”, tại sao nhiều CTCK vẫn cố gắng tuyển dụng các chuyên gia phân tích nước ngoài, với chi phí cao?
Thứ nhất, nhóm CTCK nhiều tham vọng trong việc thu hút NĐT tổ chức cần những nhà phân tích thực sự để cung cấp các báo cáo chất lượng cho các tổ chức. Nỗ lực chuyên nghiệp là một điểm sáng đáng được ghi nhận.
Thứ hai, bên cạnh công việc chính, các cây viết phân tích cũng góp phần đáng kể tới việc lôi kéo khách hàng nước ngoài. Đôi khi họ hoạt động như một nhà môi giới thứ thiệt.
Thứ ba, xét về tính độc lập và khách quan, chuyên gia phân tích nước ngoài tỏ ra chuyên nghiệp hơn giới phân tích trong nước.
Cuối cùng, sự có mặt của các chuyên gia nước ngoài ở các CTCK mà nước ngoài sở hữu 49% vốn như Anh Đào, Woori CBV, Golden Bridge… là tất yếu. Có thể không làm phân tích trực tiếp, nhưng họ thực hiện chức năng cố vấn kiêm quản lý, đại diện vốn.
Các chuyên gia ngoại đã và đang tạo nên các dấu ấn riêng trên TTCK Việt Nam. Ông KingYoong đã từng kiến nghị cần nâng tầm tính chuyên nghiệp trong các khuyến nghị mua bán qua việc định kỳ hàng quý hay nửa năm đánh giá lại hiệu quả tư vấn. Một mặt, tôn vinh các nhà phân tích giỏi, một mặt nhà phân tích có cơ hội được “tự bạch” nếu nhận định sai lầm.
Trong khi các bản tin của giới phân tích nội phần nhiều là khô cứng, thì các nhà phân tích nước ngoài biết tạo ra các nét mới lạ, cuốn hút người đọc. “Tôi đi đi lại trong căn hộ của mình và bất giác nhìn sang tòa nhà bên cạnh. Đã lâu lắm rồi công nhân vắng bóng, còn công việc hầu như giậm chân tại chỗ”. Một lần, chuyên gia phân tích của Mekong đã mở đầu như vậy để nói về sự trầm lắng của thị trường bất động sản qua hình ảnh xây dựng dở dang của một dự án bất động sản.
Với HSC, nét độc đáo trong bản tin là các thông tin “ngầm” về thị trường như ước lượng giá trị cổ phiếu giải chấp tại một số CTCK bạn khi thị trường đi xuống. Đôi khi còn là dự báo trước các chuyển biến chính sách!
Các nhà phân tích nước ngoài cũng tiên phong đưa những phương pháp phân tích mới áp dụng vào TTCK Việt Nam. Khi còn làm việc tại HSC, Christopher Blank, chuyên viên phân tích kỹ thuật vẫn thường dự báo thị trường bằng mô hình cầu vồng. Khi Quỹ đầu tư Năng động VFA được thành lập, Công ty Quản lý quỹ VFM giới thiệu mô hình phân tích định lượng Quant với gương mặt nhà phân tích Mỹ, Michael Kokalari.
Dù hiệu quả của các thử nghiệm mới chưa được kiểm chứng thực sự, nhưng sự xuất hiện các công cụ phân tích mới cũng góp phần kéo một thị trường cận biên như TTCK Việt Nam gần hơn với các thị trường phát triển.