Cổ phiếu VT8 của CTCP Dịch vụ Vận tải ô tô số 8 chính thức chào sàn UPCoM vào ngày 8/4/2015 với khối lượng đăng ký giao dịch hơn 2.724.945 cổ phiếu, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 12.200 đồng/cp.
Tuy nhiên, cổ phiếu này đã nhanh chóng giảm về vùng giá 4.600 đồng/ cp từ năm 2016 và duy trì mức giá này đến giữa năm 2017 và gần như không có thanh khoản trên thị trường.
Cổ phiếu tăng phi mã
Trong vòng một năm qua, cổ phiếu VT8 đã có mức tăng trưởng ấn tượng từ 4.600 đồng/cp (phiên 22/8/2017) lên 28.000 đồng/cp (phiên 22/8/2018), tương đương mức tăng đạt hơn 500%.
Nếu tính theo giá bình quân của cổ phiếu VT8 khi kết thúc phiên giao dịch ngày 2/1/2018, thị giá cổ phiếu này vẫn tăng 135% trong gần 8 tháng qua, bất chấp thị trường giảm sâu trong giai đoạn quý II/2018.
Trong khi đó, sự trồi sụt khắc nghiệt của thị trường đã khiến nhiều “ông lớn” điêu đứng, thậm chí mất hơn một nửa thị giá trong thời gian ngắn, đối với một cổ phiếu nhỏ như VT8, câu chuyện tăng phi mã sẽ là một câu chuyện lạ.
Theo lý giải của giới đầu tư, việc cổ phiếu VT8 tăng phi mã trong thời gian qua là không khó, do cổ đông của doanh nghiệp khá cô đặc, lượng cổ phiếu giao dịch tự do thấp, do đó, khả năng tương tác làm tăng giá cổ phiếu là điều dễ dàng, không cần quá nhiều nguồn lực.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh tích cực của năm 2017 cũng có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu này tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng doanh thu của VT8 trong giai đoạn 2014-2017 khá ổn định nhưng lợi nhuận lại trồi sụt qua các năm.
Năm 2017, lợi nhuận doanh nghiệp đạt hơn 8,94 tỷ đồng, EPS tăng vọt từ 345 đồng lên 1.729 đồng, nhưng để cho rằng đây là đòn bẩy giúp thị giá cổ phiếu tăng vài trăm lần là chưa hợp lý.
Thị giá cổ phiếu tăng mạnh kéo theo thanh khoản cũng tăng mạnh, khối lượng giao dịch trung bình trong 10 phiên gần nhất của VT8 đạt 8.180 đơn vị, trong khi trước đó, lượng giao dịch là con số 0.
Trong giai đoạn từ khi chào sàn đến đầu năm 2016, đã có lúc thị giá VT8 chinh phục được mức đỉnh 29.800 đồng/cp, do biên độ trần/sàn trên UPCoM lớn, nên cổ phiếu đã nhanh chóng giảm về mức “trà đá” với nhiều phiên giảm sàn.
Mới đây, VT8 đã có thông báo về việc cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp là CTCP Ô tô TMT (mã: TMT) đã bán toàn bộ 4,3 triệu cổ phiếu VT8, tương đương 57,06% vốn điều lệ công ty.
Trước đó, CTCP Đầu tư thương mại H&H Hà Nội, đơn vị sở hữu hơn 804.000 cổ phiếu VT8, tương ứng tỷ lệ 10,63% vốn là cổ đông lớn thứ hai cũng đã đăng ký bán toàn bộ lượng sở hữu vào giữa tháng 7 vừa qua.
Lạ lùng “ông chủ” mới
Nếu tính mức giá trung bình trong khoảng thời gian TMT đăng ký bán cổ phiếu TMT từ 3 đến 13/8 là 25.000 đồng/cp thì TMT đã thu về 107,5 tỷ đồng.
Sau khi TMT không còn là cổ đông lớn của VT8 trong cơ cấu cổ đông của công ty đã xuất hiện 4 cổ đông cá nhân nắm giữ gần 5,5 triệu VT8, tương đương 73,3% vốn.
Ngày các cổ đông này trở thành cổ đông lớn là ngày 13/8, cũng là phiên giao dịch TMT hoàn tất việc bán cổ phần.
Cụ thể, cổ đông Phạm Xuân Hòa nắm giữ hơn 1,5 triệu cổ phiếu VT8, tương đương 20,25% vốn điều lệ công ty, cổ đông Lưu Hữu Phước sở hữu gần 1,33 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu đạt 17,7%; ông Nguyễn Văn Chương sở hữu gần 1,32 triệu cổ phiếu, tương đương 17,56% vốn điều lệ; ông Phạm Văn Thanh sở hữu 1,31 triệu cổ phiếu, tương đương 17,45%.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian H&H Hà Nội thoái vốn, HĐQT công ty cũng bán 38.785 cổ phiếu quỹ theo giá thực tế khớp lệnh trên sàn.
Đây là số cổ phiếu được công ty mua vào hồi tháng 1/2018, từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, với mục tiêu để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu VT8. Do cổ phiếu quỹ không được nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng, nên cổ đông yêu cầu VT8 bán cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông.
Mới đây, VT8 đã chính thức có thông báo về việc thay đổi vốn điều lệ từ 51,7 tỷ đồng lên 75,5 tỷ đồng do phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trước đó, VT8 đã trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 với tỷ lệ 14%.
Được biết, công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải ô tô số 8 tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô và cung ứng các dịch vụ vận tải khác.
Hoạt động chủ yếu của công ty là phân phối các loại ô tô vận tải của CTCP ô tô TMT, sản phẩm được sản xuất và lắp ráp trong nước.
Tình hình kinh doanh của công ty mẹ TMT (trước giao dịch) trong 6 tháng đầu năm 2018 không mấy khả quan với khoản lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2018, tổng tài sản TMT ghi nhận 2.172 tỷ đồng, trong đó 80,5% là nợ phải trả, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 19,5%. Trong cơ cấu nợ, nợ vay tài chính 1.383 tỷ đồng, chiếm đến 79,2% tổng nợ và bằng 327% vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, tiền mặt của công ty tại thời điểm kết thúc quý II chỉ vỏn vẹn 19,5 tỷ đồng, khoản phải thu lên tới 352 tỷ đồng và hàng tồn kho dù giảm tỷ trọng nhưng cũng luôn duy trì ở tỷ lệ cao trong tổng tài sản qua các năm.
Thông thường, thị giá cổ phiếu tăng cao sẽ phản ánh tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp đã có phần tốt lên, nhưng tăng “thần tốc” như VT8 thì khó tránh khỏi sự nghi ngại của giới đầu tư về tính minh bạch.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của VT8 cũng tương tự như của TMT – “nguyên công ty mẹ” khi phần lớn cổ phần đều nằm trong tay các nhà đầu tư cá nhân. Câu chuyện thoái vốn của TMT vào đúng thời điểm cổ phiếu VT8 đã tăng vài trăm lần phải chăng là câu chuyện “đẩy giá, chọn thời điểm”?