MB Capital chốt lời
Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) sau thời gian mua nhiều khoản đầu tư như Gelex, Cảng Đồng Nai, Sowatco, Transco thì đã bắt đầu thoái vốn và chốt lời.
MB Capital thông báo đã bán ra 1,3 triệu cổ phiếu GEX để giảm sở hữu xuống 7,74%, ứng với 26,2 triệu cp vào ngày 24/7.
Trước đó, MB Capital đã mua 24,8 triệu cổ phiếu phát hành thêm của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex- GEX) trong đợt thực hiện chứng quyền lần 1 cho các trái chủ hồi cuối tháng 6 với giá 16.000 đồng/cp (thị giá GEX 35.400 đồng/cp).
Không chỉ chốt lời một phần Gelex, MB Capital cũng muốn thoái hết vốn tại CTCP Chế tạo Bơm Hải Dương (CTB) khi mới nhất đã bán ra 300.000 cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn kể từ 27/7. Trước đó vào 6/7, quỹ này đã bán ra 2,75 triệu cp CTB.
MB Capital đầu tư vào CTB từ 19/6/2017 với việc mua 3,35 triệu cp, thời điểm đó giá cổ phiếu quanh mức 25.000 đồng/cp. Đến nay CTB có giá khoảng 31.000 đồng/cp, trong khi đó công ty đã trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1.
VinaCapital và quỹ của Chính phủ Singapore cũng thoái vốn
VOF Investment Limited – quỹ thuộc VinaCapital thông báo đã bán ra 1 triệu cổ phiếu CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) vào hôm 30/7.
Sau giao dịch, VOF Investment còn sở hữu hơn 3,4 triệu cp PNJ, tương đương tỷ lệ 2,1% vốn. Giao dịch của quỹ này cũng khiến tỷ lệ sở hữu cả nhóm VinaCapital giảm từ 9,4% xuống 8,78% tương ứng còn nắm giữ 14,2 triệu cp.
Trong phiên giao dịch 30/7, giá cổ phiếu của PNJ đóng cửa gần 97.000 đồng/cp cũng là ngày cổ phiếu tăng lên mức giá cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Số tiền mà VOF Investment đã thoái vốn xấp xỉ 100 tỷ đồng.
Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC- Government of Singapore) thông báo đã bán ra 758.170 cổ phiếu CTCP Tập đoàn Masan (MSN) và không còn là cổ đông lớn tại Masan khi chỉ sở hữu 52,6 triệu cổ phiếu.
Trong năm 2016, GIC rót vốn vào Masan khi mua 37,9 triệu cp, tương đương 5,08% vốn ở quanh giá 69.200 đồng/cp. Đến nay, cổ phiếu có giá 85.000 đồng/cp và đã chia cổ tức bằng tiền 30% cũng như thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1.
Trong khi đó, America LLC gần như tất toán khoản đầu tư vào Địa ốc 11 (D11) khi bán ra 709.940 cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn từ ngày 25/7. Tổng số tiền thu về hơn 9 tỷ đồng.
Mua vào nhỏ lẻ
Hầu hết các giao dịch mua vào đã công bố là các giao dịch với khối lượng không quá lớn. Nhóm quỹ AIMS Asset Management (Malaysia) nổi bật lên khi mua hơn 500.000 cổ phiếu Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2).
Cụ thể, Apollo Asia Fund mua vào 250.000 cp NT2 và Panah Master Fund mua vào 250.009 cp. Qua đó, cả nhóm quỹ Malaysia đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,16%, gần 14,9 triệu cp và chính thức thành cổ đông lớn của NT2 từ 23/7.
Nhóm quỹ Yurie Asset cũng trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) khi mua thêm 80.100 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,04% vào 26/7.
Một số giao dịch đáng chú ý khác như Endurance Capital Vietnam mua vào 220.000 cổ phiếu Savico (SVC) vào 31/7. United Holdings mua thêm 100.000 cổ phiếu Đầu tư Phát triển Xây dựng – Hội An (DIH). Asean Deep Value Fund tiếp tục mua 53.300 cổ phiếu Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API)…
Công bố tuần qua còn chứng kiến giao dịch chuyển nhượng hơn 600.000 cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) trên VSD của các quỹ đầu tư nước ngoài vào 3/8. Tổng giá trị sang tay gần 70 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Asean Deep Value Fund đăng ký mua thêm 75.000 cổ phiếu API trong thời gian 6-31/8. Điều này cho thấy quyết tâm muốn tăng quyền kiểm soát của quỹ ngoại khi liên tiếp mua vào cổ phiếu này từ đầu năm 2018.