Thực tế, thẻ vàng IUU là vấn đề từ 20 năm trước Chính phủ và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã nhận diện nhưng chưa được thực hiện được đến nơi đến chốn.
Theo đó, thời điểm khi châu Âu bắt đầu cấp code cho DN sản xuất thủy sản Việt Nam, đã có rất nhiều cuộc họp bàn bạc vấn đề xuất khẩu nhưng chúng ta mới chỉ giải quyết được phần ngọn để phù hợp với điều kiện đặt ra lúc bấy giờ, riêng phần gốc mang tính chiến lược lâu dài vẫn còn bỏ ngỏ. Các cuộc họp chỉ tập trung giải quyết từ khâu nhà xưởng sản xuất, trong đó lấy DN sản xuất là điểm khởi đầu của quy trình đánh giá cho tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho xuất khẩu.
Nhưng khi DN được cấp code xuất khẩu vào châu Âu, những hạn chế mang tính hệ thống chuỗi bắt đầu rõ nét. Ở mảng nuôi trồng vướng vấn đề kháng sinh, trong khi nguyên liệu đánh bắt tự nhiên, vấn đề quản lý tàu thuyền, nguồn gốc xuất xứ, nhật ký khai thác hết sức khó khăn.
Ngay thời điểm đó chúng ta đã dự liệu được những khó khăn trong công tác quản lý nuôi trồng, quản lý tàu thuyền đánh bắt, nậu vựa… Tuy nhiên, khâu này chưa được thực hiện triệt để nên việc nhận thẻ vàng IUU cũng là hệ lụy tất yếu. Nếu chúng ta quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn phù hợp ở thời điểm đó, tình tình bây giờ có lẽ sẽ khác hơn. Quản lý nuôi trồng và đánh bắt có điều kiện, nguồn nguyên liệu cũng không bị khai thác lạm phát và cạn kiệt như bây giờ.
Vì thế, trong bối cảnh EU áp dụng thẻ vàng với hải sản Việt Nam, dù hiệp hội đã nỗ lực rất nhiều để phối hợp giữa Chính phủ và DN khắc phục, cải thiện và đạt những kết quả nhất định, song những khó khăn hiện tại hầu như DN hải sản đều phải chịu.
Tuy nhiên, thẻ vàng IUU là thử thách nhưng cũng là bước ngoặt lớn để toàn ngành có thể nhìn lại mình từng bước xây dựng lại một cách có hệ thống, quy củ, với mục tiêu đồng hành với xu hướng phát triển chung của thế giới. DN đang rất khó khăn khi xuất hàng vào EU nhưng đó cũng là cơ hội DN khẳng định mình với thế giới quyết tâm cải thiện hệ thống quản lý để gỡ bỏ thẻ vàng.
Với thẻ vàng treo trước mặt, DN, Vasep và Nhà nước phải phối hợp nhiều hơn nữa để ra khỏi thẻ vàng và giành lại thẻ xanh. Lúc này DN cần có sự hỗ trợ tối đa từ hiệp hội cũng như Chính phủ để tránh khỏi những thiệt hại trong quá trình cải thiện và sửa đổi hệ thống.
Quá trình này không dễ dàng, bắt buộc ngành phải thương thảo cụ thể, rõ ràng với EU về những hạn chế của mình và lộ trình cải thiện khả thi nhất với tiến độ thời gian cụ thể. Tôi tin với quyết tâm thay đổi mình để phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành và xu thế chung của thế giới, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được.