Trong giai đoạn đầu ra mắt sản phẩm CW, BSC hành 1.000.000 chứng quyền MWG với mức giá 2.000 đồng/CW với thời hạn 3 tháng. Trong khi VNDIRECT cũng phát hành 2.400.000 chứng quyền MWG với giá 2.990 đồng/CW với thời hạn 6 tháng…
MWG là mã chứng khoán của Công ty cổ phần Ðầu tư Thế giới di động niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh, MWG là nhà bán lẻ số một Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng trên toàn quốc.
Theo các nhà phát hành chứng quyền MWG, đây là mã có tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích đầu tư lâu dài. Vậy trên thực tế, mã CW này có đem lại sức hấp dẫn cho nhà đầu tư hay không?
Theo báo cáo tài chính, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 34.122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.424 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019, tương đương với mức tăng trưởng 15% doanh thu thuần và 36% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ tính riêng tháng 4, Công ty đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao thứ 2 chỉ sau tháng đầu năm 2019 là 31%, trong khi lợi nhuận ròng tăng đến 62% so với tháng 4/2018.
Dưới góc độ ngành hàng, tất cả các nhóm sản phẩm chính bao gồm điện thoại, điện tử, điện lạnh và gia dụng của MWG đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực cho kết quả luỹ kế năm nay. Trong bối cảnh đỉnh điểm mùa nắng nóng bắt đầu từ tháng 4/2019, các sản phẩm máy lạnh – quạt điều hoà đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2018. MWG đã đạt sản lượng máy lạnh bán ra kỷ lục gần 200.000 bộ chỉ trong một tháng, gần bằng nửa tổng khối lượng bán ra của sản phẩm này trong cả năm 2018.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành An- Nhà đầu tư sàn ACBS, dù kinh doanh có nhiều khởi sắc nhưng giá cổ phiếu của MWG luôn xoay quanh vùng giá 80-90 ngàn đồng/cổ phiếu, tính thanh khoản cổ phiếu cũng không cao, doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc vào mùa vụ. Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc khi mua chứng quyền MWG, bởi vì tình hình kinh doanh của Công ty phụ thuộc mùa vụ sẽ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá phát hành CW của các công ty chứng khoán.
Với giá CW chào bán (theo bảng nói trên) sẽ kích thích nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để sở hữu nhiều CW hơn, nhưng đây thực sự là “con dao 2 lưỡi”. Bởi vậy, nếu ưa thích khẩu vị rủi ro, nhà đầu tư có thể dùng đòn bẩy để sở hữu CW.
Ông Dương Văn Chung- Giám đốc MBS cho rằng, khác với chứng khoán cơ sở, CW luôn có vòng đời hữu hạn. Do đó vào thời điểm đáo hạn, nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục nắm giữ CW như đầu tư cổ phiếu mà sẽ được thanh toán tiền hoặc mất khoản phí mua CW mua ban đầu.
Ngoài ra, giá CW thường xuyên thay đổi và chịu tác động từ nhiều yếu tố như lãi suất, cổ tức, cung- cầu… Điều này khiến cho chênh lệch giá CW giữa các thời điểm mua và bán của nhà đầu tư không phải lúc nào cũng tạo ra lợi nhuận như kỳ vọng.
Đặc biệt, rủi ro đầu tư CW có thể phát sinh khi tổ chức phát hành bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi CW đáo hạn. Do vậy, để sở hữu CW, nhà đầu tư nên thận trọng và cân nhắc trước khi xuống tiền mua CW.