Trong nước, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã suy giảm gần 10% kể từ đầu năm Canh Tý, tương đương khoảng 20 tỷ USD thị giá cổ phiếu đã bị trôi đi trong cơn bão bất thường này.
Trong bức tranh tổng quan, Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ tiêu chính yếu về nền kinh tế 2 tháng đầu năm, theo đó, diễn biến thời tiết bất thường và dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn cho ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong ngành công nghiệp, 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Về hoạt động xuất, nhập khẩu, tháng 2/2020, do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4%.
Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng ước tính nhập siêu 176 triệu USD.
Liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư gián tiếp, cơ quan này ghi nhận, 2 tháng đầu năm nay, có 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 827,3 triệu USD, giảm 84%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 265 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 283,3 triệu USD và 1.318 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 544 triệu USD…
Nhịp hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã chậm lại do tác động của thiên tai, dịch bệnh và TTCK đã ngay lập tức phản ánh vào giá cổ phiếu.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân khó khăn, mất mát, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng đang hàng ngày phải chịu đựng sự suy giảm của giá trị danh mục.
Công ty Quản lý quỹ SSIAM cho biết, trong 1 tuần qua, giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư vào Quỹ lợi thế cạnh tranh bền vững đã giảm 2,84%.
Nếu đà giảm này cứ tiếp tục, chẳng mấy chốc những gì được gọi là lãi dự tính của nhà đầu tư khi chọn lựa đầu tư vào Quỹ có chủ đích đầu tư bền vững và cân bằng nhất, cũng sẽ bay mất một cách dễ dàng.
Trong câu chuyện của các doanh nghiệp, động lực cho sự thay đổi được nhiều người trông chờ vào việc Chính phủ sẽ sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ cấp bách, chẳng hạn cắt giảm các loại thuế quan, giảm lãi suất, cơ cấu nợ hay ban hành các gói tín dụng…, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động, giảm thiểu thiệt hại.
Liên quan đến TTCK, khó khăn tháng 2 khiến nhiều người muốn rời bỏ thị trường, nhưng thực tế đây chưa phải là giai đoạn khó nhất thị trường từng trải qua.
Giai đoạn 2002-2003 hay khủng hoảng tài chính 2008, chứng khoán khi đó chỉ có một chiều giảm, thanh khoản cạn kiệt, thậm chí nhiều nhà đầu tư buồn đến nỗi không thiết nói chuyện với nhau…
Dù vậy, thời gian đi qua, vẫn có nhiều chủ thể trụ lại và câu chuyện thị trường sẽ còn được viết tiếp bằng những gam màu sáng, tối đan xen…
Người quan sát