FTSE Russell được sử dụng chuẩn cho các loại tài sản tại hơn 80 quốc gia và 98% thị trường có thể đầu tư toàn cầu. Tính đến 31/12/2017 có 1.700 tỷ USD tài sản quản lý theo tiêu chuẩn bộ chỉ số FTSE toàn cầu, trong đó có 1.400 tỷ USD tài sản đầu tư theo chỉ số này.
Hiện tại, MSCI và FTSE Russell là hai công ty lớn nhất cung cấp các chỉ số thị trường toàn cầu được các quỹ ETF sử dụng rộng rãi trên thế giới. Trong đó, MSCI cung cấp các chỉ số được sử dụng làm chỉ số tham chiếu của 250 quỹ ETF và FTSE Russell cung cấp chỉ số cho 156 quỹ ETF.
Ứng cử viên sáng giá
Việc thay đổi xếp hạng, bổ sung hoặc loại bỏ một cổ phiếu/thị trường/ quốc gia trong một danh mục sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán của MSCI, FTSE, dẫn đến sự điều hướng dòng tiền của các quỹ ETF và các quỹ đầu tư khác sử dụng chỉ số chứng khoán đó làm chỉ số tham chiếu. Vì vậy, các quyết định xếp hạng thị trường, quốc gia của cả hai công ty này đều được các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt chú ý.
Theo báo cáo ngày 26/9 của FTSE Russell, có ba thị trường mới được nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu này đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, bao gồm Argentina, Tanzania và Việt Nam.
Trong đó, hai thị trường Argentina và Việt Nam đang được FTSE Russell xếp loại là thị trường cận biên, sẽ được xem xét để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai. Thị trường Tanzania hiện chưa được FTSE xếp hạng và sẽ được xem xét để nâng hạng lên thị trường cận biên.
Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell đối với thị trường mới nổi thứ cấp, bao gồm môi trường pháp lý, hạ tầng và chất lượng thị trường, hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ.
Tuy nhiên, FTSE Russell có 9 điều kiện tiên quyết cho việc nâng hạng một thị trường, và dù đáp ứng cả 9 tiêu chí thì một thị trường vẫn phải nằm trong danh sách theo dõi ít nhất một năm.
Do đó, để được chính thức nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ cần tiếp tục duy trì và cải thiện tốt hơn các tiêu chí được đề ra và thời gian tối thiểu xem xét là một năm.
Trong một diễn biến liên quan, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không được tổ chức xếp hạng chứng khoán MSCI đưa vào danh sách các thị trường được xem xét nâng hạng, giữ nguyên ở nhóm thị trường cận biên (Frontier Market).
Trong khi đó, cùng trong nhóm cận biên nhưng Pakistan, China A (nhóm cổ phiếu hạng A của Trung Quốc) đã được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi.
China A cũng được FTSE Russell chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai trong kỳ đảo danh mục tháng 6/2019 của chỉ số này.
Vừa qua, thị trường chứng khoán Argentina đã được MSCI công nhận là thị trường mới nổi sau khi bị đánh tụt hạng xuống mức thị trường cận biên năm 2009.
Theo MSCI, các tổ chức đầu tư quốc tế đều bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của Argentina trong việc duy trì các điều kiện tiếp cận thị trường chứng khoán – một yếu tố then chốt mà MSCI luôn cân nhắc khi phân loại thị trường.
Còn nhiều việc phải làm
Theo đánh giá của công ty chứng khoán MBS, việc được đưa vào danh sách theo dõi không đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, điều này sẽ cho thấy những nỗ lực nâng cao chất lượng thị trường đang được ghi nhận, đồng thời có những định hướng để cải thiện thị trường trong tương lai.
Đồng quan điểm, ông Lê Hải Trà, Phụ trách HĐQT HoSE, cho rằng việc được FTSE ghi nhận là một thông tin tích cực đối với thị trường Việt Nam, dù rằng điều này không đồng nghĩa với việc “được nâng hạng chính thức” và còn rất nhiều việc phải làm.
Sự công nhận này của FTSE Russell sẽ góp phần thay đổi vị thế của thị trường tài chính quốc gia đối với công chúng nhà đầu tư; hứa hẹn sẽ đem tới nhiều tác động tích cực lên khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường, chất lượng của doanh nghiệp niêm yết.
Hiện, Chính phủ Việt Nam cũng đang gấp rút hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi với mục đích giúp Việt Nam được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai.
Trong khi đó, Argentina đang phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi thị trường tài chính tiền tệ liên tục lao dốc, lạm phát gia tăng liên tục.
Tính từ đầu năm tới nay, đồng Peso đã mất 45% giá trị, tốc độ lạm phát đã vượt mức 25%, Chính phủ Argentina đã phải tăng mức lãi suất cơ bản lên 60%, bán ra thị trường hàng tỷ USD từ quỹ ngoại hối nhằm ổn định tình hình.
Mức lãi suất cao nhất thế giới và sự hỗ trợ của IMF dường như chưa đủ để giới đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn về Argentina.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Argentina Luis Caputo đã bất ngờ từ chức, chỉ vài tháng sau khi đảm nhận. Động thái này của ông Caputo diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Argentina Mauricio Macri đang nỗ lực đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm đẩy nhanh chương trình hỗ trợ tài chính cho Argentina.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại, thị trường chứng khoán Argentina đã từng là thị trường chứng khoán mạnh nhất năm 2017 với mức tăng 73%, chỉ xếp sau Mỹ.
Do đó, sẽ còn quá sớm để dự đoán thị trường nào sẽ được nâng hạng trong “ứng cử viên” Việt Nam và Argentina, nhưng xét trên thực tế, mỗi thị trường đều có những thế mạnh riêng và cơ hội được chia đều, thậm chí là của cả hai.