Không thể nói rằng trong chưa đầy hai tháng đó, nền kinh tế có thay đổi rõ nét nào. Sự thay đổi có chăng chỉ là trong kỳ vọng của giới đầu tư mà thôi. Kỳ vọng cũng đến rồi đi, nếu không được hà hơi tiếp sức bằng những chuyển biến có thể định lượng.
Đợt phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 bắt nguồn từ một định hướng chính sách – hay đúng hơn là một cam kết – thỏa lòng mong đợi của nhà đầu tư: lãi suất sẽ giảm để doanh nghiệp dễ thở, trong khi lạm phát được kiềm chế.
Không nằm ngoài dự đoán, sau định hướng và các biện pháp của Ngân hàng nhà nước được thực thi, hàng loạt ngân hàng bắt đầu tung ra các gói cho vay lãi suất thấp như cam kết. Một ước tính sơ bộ trong tháng 9, đã có khoảng 30.000 tỷ đồng tín dụng “giá rẻ” được các ngân hàng cam kết giải ngân với lãi suất từ 16-19%. Đây thực sự là một tin tốt lành vì doanh nghiệp suốt một thời gian dài đã quá khó khăn với chi phí đầu vào cao.
Tuy nhiên, cũng không ngoài dự đoán, mặt bằng lãi suất được hạ xuống về mặt lý thuyết nhưng liệu dòng vốn giá rẻ đó đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn là câu hỏi. Vốn rẻ là có thực, nhưng không phải cho vay dễ dãi vì bản thân ngân hàng cũng phải phòng bị nợ xấu. Đã có nhiều thông tin trên báo chí xác nhận số lượng doanh nghiệp được vay vốn rẻ không nhiều, đặc biệt chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp thân tín hay sử dụng dịch vụ đi kèm. Điều này gián tiếp khẳng định đa số doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn “rẻ” từ ngân hàng.
Câu chuyện mang tính “thời trang” về lãi suất đến rồi đi cũng nhanh. VN-Index tăng gần 22,5% là mức độ mà thị trường đã trả giá cho việc mặt bằng lãi suất sẽ giảm về mức 17-19%. Thậm chí mức trả giá như vậy là “hơi cao” do kỳ vọng lớn. “Câu chuyện hạ lãi suất tiếp theo sẽ là gì”, là câu hỏi mới mà thị trường đặt ra. Liệu mặt bằng lãi suất có thể giảm tiếp đến mức nào? Bao giờ cơ cấu tín dụng huy động của các ngân hàng trở về mức bình thường để có đà hạ lãi suất cho vay xuống thấp hơn? Đó là chưa kể đến việc chặn trần lãi suất huy động 14% có thể làm giảm dòng vốn vào kênh ngân hàng.
Thông tin về nhóm G12+1 họp ngày 4/10 đồng thuận không vượt trần lãi suất huy động, giữ mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh quanh mức 17-19%/năm và nếu xuống mặt bằng 17%/năm thì càng tốt là điểm nhấn mới trong câu chuyện đang thoái trào. Những sự kiện như vậy lúc này khó “gây sốc” cho thị trường như hồi đầu tháng 9!
Khi thị trường chứng khoán hết hào hứng với câu chuyện lãi suất thì những mối quan tâm mới tự xuất hiện. Câu chuyện vàng và USD có triển vọng sẽ là ứng cử viên mới. “Bộ đôi” này đang thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư, không chỉ từ góc độ thị trường, mà cả từ góc độ chính sách. Sức mua với vàng lớn những ngày qua cho thấy phần không nhỏ dòng tiền chảy ra từ kênh tiết kiệm đã chảy vào đây. Đi kèm với đó là vấn đề tỉ giá đang nóng dần lên. Biến động trên hai thị trường này lại là rào cản đối với chứng khoán.
Những nỗ lực bình ổn thị trường vàng đang được thiết lập để bù đắp cho những giải pháp ngắn hạn như nhập khẩu vàng. Tuy nhiên thị trường vàng không dễ kiềm chế như lãi suất và giới đầu tư có thể cập nhật những biến động hàng ngày. Việc cho nhập vàng liên tục thời gian qua không thu hẹp được mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, trong khi nguồn USD lại bị hao hụt.
Mối quan hệ “vàng – đô” đang hấp dẫn dòng vốn đầu cơ, trong khi thị trường chứng khoán “từ từ” trả giá ngược cho những kỳ vọng thái quá.