Một báo cáo chuyên đề của Vietstock gần đây đã phác ra bức tranh tổng quát về tín dụng tăng thêm 4 tháng cuối 2011 đối với các lĩnh vực: BĐS (55%); tiêu dùng (43%); còn chứng khoán chỉ vỏn vẹn 2% với 1.791 tỷ đồng.
Dòng tiền mới đang lựa chọn điểm đến
Bài toán giảm lãi suất đã được giải một phần. Sau hơn một tuần kể từ cuộc họp của Ngân hàng nhà nước (NHNN) với tất cả các ngân hàng trên toàn quốc, đến nay vấn đề mặt bằng lãi suất huy động và kể cả lãi suất cho vay được kéo giảm đã trở nên khá chắc chắn.
Dòng tiền mới sẽ đi đâu, về đâu? Đó là một bài toán mới – một nhánh của bài toán tổng hợp về sự vận động của dòng tiền chung trong xã hội. Cụ thể hơn, dòng tiền mới xuất phát từ kênh gửi tiết kiệm truyền thống tại các ngân hàng, nhưng do lãi suất huy động giảm về đúng quy định 14% nên tiền đang được rút dần ra.
Hiện tượng sụt giảm lượng tiền huy động và tăng rút tiền tiết kiệm đang diễn ra từ mấy ngày nay tại một số ngân hàng, đã được xác nhận bởi không ít trường hợp cá nhân rút tiền có ý định chuyển sang các kênh đầu tư khác như hàng hóa, vàng, chứng khoán, bất động sản (BĐS) mà có khả năng mang lại lợi suất đầu tư cao hơn. Chỉ thị 02 của NHNN càng được duy trì hiệu lực lâu dài, tác động tâm lý đối với người gửi tiền càng lớn. Đến khi người gửi tiền thấy không còn “cửa” để lách lãi suất theo thỏa thuận như trước đây nữa, họ sẽ quyết định rút hẳn tiền để chuyển sang đầu tư.
Giai đoạn này chính là thời gian thăm dò, thử thách tâm lý ngân hàng và người gửi tiền. Cũng bởi tính chất thăm dò như thế mà hiện thời vẫn chưa thể xác định kênh đầu tư nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi dòng tiền tiết kiệm rời nơi trú ẩn.
Trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn gần như bất động, sự chuyển động duy nhất chỉ còn bộc lộ tại thị trường chứng khoán (TTCK). Một tháng nay, cùng với sóng tăng bất ngờ của chỉ số chứng khoán, rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã mong mỏi và hy vọng dòng tiền tiết kiệm chọn lựa chứng khoán là kênh sinh lợi tốt nhất. Hy vọng này là có cơ sở vì trong thời gian qua nhiều cổ phiếu đã tăng được 30-50% – tỷ lệ cao hơn hẳn các kênh bỏ tiền khác.
Song cho đến lúc này, cũng chỉ có thể nhìn nhận đợt tăng của TTCK trong ngắn hạn. Dấu hiệu điều chỉnh đang xuất hiện khá mạnh mẽ. Áp lực bán gia tăng đột ngột lại đặt nhà đầu tư vào trạng thái hoài nghi: chỉ số chứng khoán liệu còn khả năng tăng tiếp hay không, khi nhiều người đã hành động chốt lời và lực cầu tổ chức gần như biến mất?
Nếu không tăng hơn được nữa, thị trường sẽ trở lại chu kỳ giảm. Khi đó, tùy vào cách giảm tích cực hay tiêu cực mới có thể đánh giá được có dòng tiền mới tham gia bắt đáy hay không. Triển vọng của TTCK từ đây đến cuối năm là có, theo dự báo của ít nhất hai công ty chứng khoán, thậm chí còn tăng mạnh. Nhưng muốn tăng trưởng hơn nữa, TTCK lại lệ thuộc rất lớn vào dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng, trong bối cảnh mọi dòng tiền khác đều cạn kiệt.
Dư địa tín dụng phản tăng trưởng
Ở một góc độ phân tích khác, những con số thực tế lại không mấy ủng hộ khả năng tăng trưởng của TTCK dựa vào dòng tiền mới. Một báo cáo chuyên đề của Vietstock gần đây đã phác ra bức tranh tổng quát về tín dụng tăng thêm trong 4 tháng cuối năm 2011 đối với các lĩnh vực: BĐS (55%, tương đương 42.145 tỷ đồng); tiêu dùng (43%, 33.267 tỷ đồng); còn chứng khoán chỉ vỏn vẹn 2% với 1.791 tỷ đồng.
Từ bức tranh phác thảo về dư địa tín dụng trên, Vietstock cũng dự báo BĐS chiếm tỷ trọng lớn trong tín dụng phi sản xuất và cũng là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất nếu tăng trưởng trong dư địa tín dụng còn lại được thúc đẩy.
Với dư địa tín dụng quá ít ỏi so với BĐS, chứng khoán đang ở vào thế quá khó để tạo nên sức bật mới. Trong khi không biết tìm kiếm nguồn tiền mới từ đâu thì thị trường này lại ngày càng phải đối mặt với áp lực càng lớn về xu hướng thoái vốn của các tổ chức lớn, quỹ đầu tư nước ngoài. Dù mốc thời điểm tuyên bố thoái vốn là đầu năm 2012 và kéo dài đến tận năm 2015, nhưng thực tế dường như việc thoái vốn đã được hiện thực hóa từ đầu năm 2011.
Thoái vốn không còn là một công việc bình thường theo kiểu “tái cấu trúc danh mục”, mà đã trở thành một chiến dịch. Nếu thông tin về thoái vốn được tung ra vào tháng 3/2011 thì hẳn đã có những tổ chức “chạy” từ trước đó. Thậm chí để thấy rõ hơn động thái này, chúng ta cần đi ngược thời gian về tận tháng 5/2010, là thời điểm mà thị trường chính thức đi vào thời kỳ suy giảm sau khi các tổ chức lớn và đội lái đã “no nê” với sức rướn đến 2-3 lần của đám cổ phiếu nhỏ.
Vào tháng 7/2011, Dominic Scriven – quỹ đầu tư Dragon – đã gián tiếp xác nhận về chiến dịch thoái vốn đã xảy ra trong quá khứ khi ông đề cập đến 20-30.000 tỷ đồng sẽ được các quỹ nước ngoài rút ra trong hai năm 2012-2013. Thậm chí ngay cả đến cái chuyện “nhỏ” này của TTCK Việt Nam mà những hãng tin lớn của quốc tế như BBC, CNBC cũng phải dành thời gian bình luận thì có thể hiểu đó chẳng phải là chuyện nhỏ chút nào. Thậm chí số vốn cần phải thoái đến năm 2014-2015 lên đến hơn 60.000 tỷ đồng.
Với nhà đầu tư nước ngoài, chuyện mua bán càng lúc càng trở nên khó hiểu: họ mua vào 20.000 tỷ (từ đầu năm 2010 đến nay) – dự kiến rút ra 20.000 tỷ vào năm 2012. Và sẽ rút tiếp 40.000 tỷ trong các năm sau. Vậy tất cả những chuyện mua bán miệt mài đó mang lại cho họ cái gì? Một sự vô nghĩa chăng?
Trong một cuộc hội thảo gần đây ở Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa đã nêu ra một nhận xét đáng chú ý: đợt tăng từ giữa tháng 8/2011 của TTCK chỉ mang tính ngắn hạn,còn khi lãi suất giảm thì thị trường BĐS sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Tâm thế chia sẻ bắt buộc
Những tín hiệu đầu tiên phát ra từ làn sóng rút tiền tiết kiệm ngân hàng đang cho thấy có vẻ như BĐS là kênh được người dân quan tâm hơn là chứng khoán. Trong tâm lý của những nhà đầu tư hoàn toàn không chuyên nghiệp, chứng khoán là một trò bạc bịp mà đã khiến cho nhiều người tán gia bại sản, với hậu quả trong quá khứ có thể dẫn sang cả hiện tại và tương lai. Tính rủi ro quá cao của chứng khoán, cho dù thị trường này hiện nay có vẻ như đang ở vùng đáy, còn nguy hiểm hơn cả thị trường vàng – có vẻ như đang ở vùng dỉnh.
Chính vì thế, tâm lý một số người tiêu dùng đang chú ý đến đất nền và căn hộ giá trung bình thấp ở Hà Nội là một thực tế, dù mặt bằng nhà đất Thủ đô không giảm bao nhiêu trong 6 tháng qua. Còn với khu vực TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, giá đất còn hấp dẫn hơn Hà Nội nhiều.
Trong bối cảnh đó, TTCK sẽ phải chịu sự chia sẻ với các thị trường khác liên quan đến dòng vốn mới. Đợt tăng điểm vừa qua của chứng khoán sẽ dễ thuyết phục hơn về tính tăng trưởng thực chất nếu như không tái hiện hoạt động làm giá một số cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn như BVH, MSN, VIC, VPL. Nhưng thực tế lại đã xảy ra như vậy, lại càng gợi cho nhà đầu tư nhớ về những bài học trong các đợt tăng chứng khoán vào tháng 12/2010 và tháng 6/2011.
Khả năng tăng trưởng của TTCK sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức độ “thành thật” (cũng có thể gọi là tính minh bạch) của các nhóm bluechip trên thị trường trong thời gian tới. Sóng tăng chỉ có thể được tiếp diễn với điều kiện bluechip dẫn đầu, chứ không phải bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa siêu lớn hoành hành hay nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ tăng lệch pha so với nhóm cổ phiếu lớn.
Ngược lại, xu hướng thoái vốn sẽ càng hiển hiện nếu trong thời gian tới TTCK suy giảm trở lại. Khi đó, đợt tăng điểm gần nhất được chứng tỏ chỉ nhằm phục vụ cho động cơ thoát hàng của các tổ chức lớn, nằm trong chuỗi sóng đánh lên trong năm 2011 này.
Thực tế bi quan của TTCK cũng quyết định đến triển vọng thiếu sáng sủa của nó trong những tháng cuối năm 2011. Dòng tiền rời bỏ kênh tiết kiệm sẽ khó, rất khó có khả năng chọn lựa chứng khoán làm kênh sinh lợi. Nói cách khác, chứng khoán vẫn còn nguyên tính bi kịch của nó.