Đã rõ như ban ngày là nỗi lo về lượng cổ phiếu giải chấp chẳng có căn cứ nào xác đáng. Nói cách khác, căn cứ của sự lo lắng huyền hoặc ấy chính là việc trên 80% số cổ phiếu cần phải giải chấp đã hoàn thành trót lọt nhiệm vụ của nó trong con sóng tăng từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2011. Số giải chấp còn lại (nếu có) cũng chẳng còn nhiều nhặn gì và các công ty chứng khoán hoàn toàn có quyền xả rỉ rả trong những phiên kéo ngang – giảm vừa qua. Tình hình nợ vay ngân hàng của khối công ty chứng khoán vì thế cũng vơi nhẹ đáng kể. Một công bố cho thấy chỉ còn khoảng 7.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng chứng khoán – con số hầu như không có tác động lớn đối với chuyện nợ xấu của ngân hàng, trong khi ở một thái cực khác, dư địa tín dụng chứng khoán của ngân hàng vẫn còn khá lớn. Chỉ có điều vào lúc này, rất ít nhà đầu tư dám uống thuốc liều dùng đòn bẩy tài chính. Phép thử lớn đã và đang diễn ra với việc lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay giảm rõ rệt so với thời điểm giữa tháng 5/2011; thế nhưng vẫn không có tín hiệu mạnh mẽ nào của dòng tiền đổ xô vào chứng khoán. Không những thế, có cảm giác như dòng tiền còn bị rút dần ra. Nếu kết hợp với những thông tin về xu hướng đóng quỹ đầu tư nước ngoài và do đó các quỹ này phải tiến hành thoái vốn thì quả là đáng lo ngại. Tất nhiên, nhà đầu tư cũng có thể đặt giả thuyết rằng tin tức về đóng quỹ và thoái vốn có thể là một chiêu thức của nhóm đầu cơ lớn tạo tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường để dễ bề đánh xuống. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết mong manh về tính cơ sở, trong khi cơ sở của xu hướng thoái vốn lại rõ ràng hơn nếu xem xét quá trình rút dần vốn khỏi thị trường của khá nhiều doanh nghiệp trong nước trong hơn một năm qua. Tin tức còn lại có đôi chút khích lệ là việc Nghị quyết tháng 6/2011 của Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và bình ổn thị trường chứng khoán. Hiện chưa biết chỉ thị này có bổ sung thêm những nội dung nào mới hoặc mang tính đột biến để vực dậy thị trường. Còn nếu bản chỉ thị vẫn là nội dung cũ với đề xuất của Bộ Tài chính về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư chứng khoán đến hết năm 2012, thì như chúng ta đều thấy, trong gần một tháng qua thông tin này đã không thể hiện tác dụng nâng đỡ thị trường. Tình trạng lình xình của thị trường đang tái diễn như thời gian tháng 4/2011 và những giai đoạn trước đó. Song yếu tố khác biệt cơ bản giữa hiện tại và quá khứ là sự sa sút của nhóm cổ phiếu nhỏ với việc tạo sóng đầu cơ yếu hơn hẳn so với những đoạn kéo ngang trước đây. Trong tuần trước, thậm chí mặt bằng giá nhóm cổ phiếu nhỏ còn bị thua thiệt hơn mặt bằng giá nhóm cổ phiếu vừa và lớn. Điều đó cũng phản ánh xu hướng mệt mỏi và quá ít hy vọng bùng nổ trở lại của thị trường. Hệ quả của xu thế giảm dần đều là mặt bằng giá cổ phiếu nhỏ vẫn tiếp tục giảm cho dù nhóm cổ phiếu này đã bị giảm quá mạnh trong thời gian trước. Song khác với giai đoạn trước, tính thanh khoản của đa số cổ phiếu nhỏ đang trở thành một vấn nạn thực sự đối với những ai muốn thoát hàng với số lượng lớn. Ngay cả cổ phiếu ngân hàng STB mà thanh khoản cũng giảm đi rất nhiều so với trước đây. Vậy nên thông tin về những người “họ hàng” của STB dự tính xả đến 15 triệu cổ phiếu này quả là tín hiệu không vui đối với thị trường. Cũng nên nhắc lại, ngân hàng là nhóm cổ phiếu giữ giá ổn định còn lại trên sàn. Nếu nhóm cổ phiếu này sắp tới bị giảm giá mạnh thì tuy không mấy tác động đến rổ Index nhưng lại có tác dụng phụ đến tâm lý nhà đầu tư về sự tan vỡ của lô cốt cuối cùng. Trong bối cảnh trên, sự thận trọng vốn dĩ trong nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán đã bị biến thành trò cười trong mắt những nhà đầu không bao giờ tuyệt đối bi quan và luôn chăm bẵm vào chuyện lướt sóng. Nhưng với 19 phiên dao động xuống tính từ đỉnh giữa tháng 6/2011 của thị trường, bản thân những nhà đầu tư này cũng trở thành trò cười trong mắt số nhà đầu tư thiên về trạng thái thúc thủ đứng ngoài. Càng tham lam và càng ham hố bắt đáy lại càng thua càng lỗ, hệt như chuyện nhiều nhà đầu tư tự ví số phận mình là “cuối cùng vẫn chết”. Lại một lần nữa, tình trạng lệch pha về dạng đồ thị đã xảy ra giữa chỉ số VNI và HNX. Xin nhắc lại, thời kỳ đầu tiên của sự lệch pha đầy chủ ý này đã bắt đầu vào tháng 8/2010, cho đến nay đó vẫn là chiến thuật được ưa thích của nhóm lũng đoạn thị trường và vẫn tỏ ra không bị giảm sút chút nào tính hiệu quả của nó. Cũng bởi hiện thực chưa hề đồng dạng giữa VNI và HNX, thật khó có thể yên tâm để kết luận rằng khu vực hiện thời đang là vùng đáy của thị trường, rằng gần hai chục phiên kéo giảm – ngang – giảm vừa qua chỉ mang tính tích lũy để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng. Trong trường hợp lạc quan nhất, tức những phiên vừa qua đúng là tích lũy tăng, sẽ chỉ có một bộ phận rất nhỏ nhà đầu tư đủ sáng suốt và can đảm đi hết chiều dài con sóng. Thậm chí, như lịch sử đã nhiều lần minh chứng, không ít nhà đầu tư chỉ lãi rất ít hoặc gần như hòa vốn trong suốt chiều dài từ đáy lên đỉnh của sóng tăng. Gần như ngược lại, hoạt động “làm xiếc” cổ phiếu MSN tái hiện càng làm cho nhà đầu tư âu lo hơn về cú giáng xuống đang được tích lũy của Con Gấu. Khả năng thị trường tiếp tục suy giảm chiếm tỷ lệ rất cao. Do không còn quá bị áp lực về giải chấp, có thể thị trường khó rơi vào chuỗi lao dốc liên tục. Nhưng tuân theo quy luật biến thiên tâm lý đám đông về sức bền mỏi, những phiên giảm mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra trong tuần này hoặc tuần sau. Khả năng phá vỡ mốc đáy cũ 69 điểm của HNX chỉ còn là vấn đề thời gian. Cánh tay lông lá đen sì của Con Gấu đang từ từ giương lên. Nhưng có vẻ khác với những lần trước, lúc này cả Con Gấu cũng cảm thấy uể oải, trò chơi mèo vờn chuột của nó đã không còn mấy hứng thú. Vì thế, cú giáng xuống của nó sắp tới đây có thể sẽ không còn ghê gớm như những thời khắc bi thảm trong quá khứ. Bản thân Con Gấu hình như cũng đang buồn ngủ. Một cơn buồn ngủ y như không khí của “chợ” cổ phiếu OTC đã bị bỏ rơi bấy lâu nay… Thị trường con gấu (bear market) là một thị trường đang xuống dốc. Cổ phiếu không ngừng rớt giá và kết quả là một xu hướng trượt dốc mà các nhà đầu tư tin rằng sẽ tiếp diễn trong thời gian dài. Và sự mất niềm tin này, đến lượt nó, sẽ tiếp tục đẩy giá cổ phiếu rơi vào vòng xoáy sụt giảm. Trong thời kì thị trường là con gấu, nền kinh tế thường tăng trưởng chậm và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao bởi các công ty bắt đầu sa thải bớt nhân viên để cắt giảm chi phí.
CUỘC THI ĐẦU TƯ ẢO MÙA 2: ĐẤU CHỨNG – HỨNG VÀNG Bạn đam mê đầu tư chứng khoán nhưng chưa sẵn sàng bước vào thị trường thực? “Đấu Chứng – Hứng Vàng”, cuộc thi đầu tư chứng khoán ảo lần thứ hai do KIS Việt Nam tổ chức với vốn giả lập lên tới...