Tình trạng bán tháo cổ phiếu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã khiến Shanghai Composite Index sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Dù tình trạng này kéo dài nhưng các nhà phân tích cũng không vội vã đưa ra dự đoán về sự đảo chiều. Các nhà đầu tư thì tiếp tục e dè, thậm chí tránh xa việc mua vào trong bối cảnh thị trường vẫn có nguy cơ giảm vì rủi ro và quan ngại về suy thoái kinh tế.
“Nhìn chung, các cổ phiếu đều không có mấy thông tin tích cực. Chính vì thế, xu hướng giảm vẫn có thể tiếp diễn”, ông Xiong Yun, đối tác sáng lập tại Công ty Quản lý Đầu tư Lingwang (Thâm Quyến) cho biết.
Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 18% trong năm qua, biến nó trở thành thị trường tồi tệ nhất thế giới. Các nhà đầu tư đang chuyển từ mua cổ phiếu sang mua trái phiếu, điều khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có lợi khi giảm lợi suất trái phiếu mà không cần phải cắt giảm chính sách lãi suất. Việc Mỹ đánh thuế cao vào hàng hóa Trung Quốc cũng đặt ra thách thức với nền kinh tế, khiến các nhà quản lý tài sản dự đoán một sự thay đổi lớn hơn nữa với trái phiếu.
Gói kích cầu mới nhất nhằm thúc đẩy nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp và đảm bảo tài chính hợp lý cho công cụ tài chính của các chính quyền địa phương cũng đang góp phần đẩy nhanh tiến độ đó. Trái phiếu chính phủ đã quay trở lại mức 5,1% trong năm nay trong khi nợ doanh nghiệp trở lại mức 3,9%, theo ICE BofAML indexes.
Nếu so với lịch sử, Shanghai Composite Index đang có giá rất rẻ. Theo số liệu từ Bloomberg, mức P/E hiện tại chỉ là 13 lần, thấp nhất trong quãng thời gian 3,5 năm qua. Tuy nhiên, chỉ số này không đủ sức ngăn cản việc giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, đẩy Shanghai Composite Index xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
“Gọi đây là đáy có lẽ vẫn hơi vội vàng. Bên mua vẫn đang nắm số lượng lớn cổ phiếu và có rất ít tiền mặt để chuẩn bị cho việc bắt đáy”, Hao Hong, chiến lược gia trưởng của Bocom International Holdings Co. tại Hồng Kông, nhận định.
Để thị trường có thể phục hồi, hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Mỹ vẫn là điều kiện quan trọng. Ngoài ra, cần những sự rõ ràng hơn đối với các chính sách trong nước của Trung Quốc, JPMorgan Asset Management viết trong một bản khuyến nghị hồi tuần trước. Các công ty niêm yết có xu hướng nhạy cảm hơn với thuế quan so với nền kinh tế Trung Quốc nói chung bởi chúng có liên kết nhiều hơn trên phạm vi toàn cầu.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng phát đi nhiều dấu hiệu cho thấy họ không nỗ lực đảo chiều việc sụt giảm mà chỉ đưa ra những biện pháp để phù hợp hơn với xu hướng hiện tại.