Lao dốc thần tốc
6 ngày. Ðây là quãng thời gian chỉ số S&P 500 giảm hơn 10% kể từ mức cao kỷ lục xuống vùng điều chỉnh hiện nay, đánh dấu đà lao dốc nhanh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, theo số liệu từ Deutsche Bank Global Research.
Chỉ số S&P 500 vừa có phiên giao dịch giảm 4,4% cuối tuần trước, là ngày tệ nhất kể từ năm 2011, khiến đà giảm kể từ ngày 12/2 tới 28/2 đạt 12%.
“Tốc độ lao dốc trong tuần trước thậm chí còn đánh bại cả ngày thứ hai đen tối (Black Monday) vào tháng 10/1987, khi đỉnh trước đó đạt được vào tháng 8/1987”, Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank cho biết.
Không riêng nước Mỹ, các thị trường chứng khoán toàn cầu đều theo đà giảm khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Chỉ số MSCI các quốc gia toàn cầu (MSCI All-country World Index) đã có 6 tuần giảm liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2019, chỉ số Stoxx Europe 600 cũng bước vào vùng điều chỉnh, trong khi chứng khoán châu Á vẫn chưa ngừng “đổ máu”.
Lý do không chỉ bởi dịch bệnh
Dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện tại 47 quốc gia, tiếp tục tạo áp lực lên hoạt động sản xuất – kinh doanh, cũng như chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu.
Trong bối cảnh này, nền kinh tế thế giới đang hướng tới việc sẽ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2009 cho tới nay, theo dự báo của nhiều tổ chức kinh tế lớn.
Bank of America Corp vừa công bố báo cáo cho thấy, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 dự kiến ở mức 2,8%, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua.
Nguyên nhân xuất phát từ việc dịch bệnh đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990.
Các mối lo ngại không ngừng gia tăng là nguyên nhân chính khiến các thị trường tài chính rơi vào hoảng loạn, nhất là thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tốc độ giảm điểm nhanh chóng là yếu tố khiến các thành viên thị trường không khỏi bất ngờ.
Cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều đang lao dốc với tốc độ chưa từng có kể từ mức đỉnh, trong khi đây không phải lần duy nhất thị trường chứng khoán trải qua các cơn dịch bệnh.
Thậm chí, những số liệu trong quá khứ cho thấy, thị trường chứng khoán thường chỉ phản ứng tiêu cực trong khoảng thời gian rất ngắn khi dịch bệnh mới xảy ra và nhanh chóng hồi phục.
Chẳng hạn, chỉ số S&P 500 tăng 14,59% sau khi trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh SARS được phát hiện vào năm 2002-2003, tính theo mốc vào cuối tháng 4/2003.
Khoảng 12 tháng sau đó, S&P 500 tăng 20,76%.
Hay gần 6 tháng sau các báo cáo về virus cúm gia cầm vào năm 2006 được công bố, chỉ số S&P 500 tăng 11,66%. Mức tăng lên tới 17,36% trong giai đoạn 12 tháng sau đó.
Với chỉ số MSCI All Countries World Index – chỉ số phản ánh diễn biến của các thị trường mới nổi và phát triển quan trọng trên toàn thế giới, chỉ số này tăng trung bình 0,4% trong vòng một tháng sau khi diễn ra một dịch bệnh và 3,1% trong 6 tháng và 8,5% trong một năm sau đó.
Vậy nguyên nhân nào khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu lại suy sụp nhanh chóng và bất ngờ như hiện nay?
Theo giới chuyên gia, có 4 lý do chính và chỉ 1 trong số đó liên quan tới dịch bệnh.
Thứ nhất, nỗi lo sợ dịch Covid-19 là hiện hữu và ngày càng mạnh mẽ. Tình hình tại Trung Quốc chưa có nhiều cải thiện và cần thời gian dài để phục hồi.
Bloomberg Economics ước tính, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hoạt động ở mức 60 – 70% trong tuần vừa qua, tăng nhẹ so với mức 50 – 60% trước đó 1 tuần.
Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng hàng hóa chưa thực sự được kết nối, tác động tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu tiêu dùng, cũng như các lệnh hạn chế đi lại khiến nhiều ngành nghề kinh doanh chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Trong tuần trước, chiến lược gia thị trường chứng khoán toàn cầu của Goldman Sachs Peter Oppenheimer chia sẻ: “Trong ngắn hạn, chúng tôi tin rằng những rủi ro xuất phát từ dịch bệnh có thể chưa được phản ánh hết lên giá cổ phiếu, thể hiện rằng khả năng điều chỉnh sẽ còn cao hơn nữa”.
Nhà đầu tư chưa thể biết dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu và còn quá sớm để ước tính hết các thiệt hại với doanh nghiệp, nhưng không ít công ty trên toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2020. Thậm chí, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận với các công ty Mỹ xuống con số 0.
Thứ hai, theo số liệu từ MarketWatch, chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở P/E ước tính khoảng 18,9 lần, tăng so với mức 16,2 lần cách đây một năm và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2002.
Với việc cổ phiếu đang được định giá cao và trở nên đắt đỏ, việc thị trường điều chỉnh là diễn biến đã được không ít thành viên thị trường dự báo từ trước khi dịch bệnh bùng phát.
Thứ ba, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần tạo thêm nhiều bất ổn, trở thành một trong những yếu tố tạo rủi ro và tác động tới tâm lý nhà đầu tư.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang dẫn đầu các ứng cử viên Ðảng Dân chủ và nhiều khả năng sẽ so găng cùng ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020.
Những kế hoạch thúc đẩy chi tiêu và đánh thuế tham vọng của Bernie Sanders, nếu ông trở thành Tổng thống, có thể là liều thuốc bổ cho thị trường chứng khoán, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhưng cũng có luồng ý kiến ngược chiều cho rằng, việc ứng viên Ðảng Dân chủ thắng cử ít có khả năng giúp thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có phát ngôn mới nhất khẳng định, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ nếu ông thất bại trong cuộc đua chạy vào Nhà trắng năm nay.
Thứ tư, nền kinh tế toàn cầu vốn đã trong tình cảnh ảm đạm trước khi dịch bệnh bùng phát và mối lo sợ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới được nhen nhóm từ lâu. Với việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều thực hiện các biện pháp hạ lãi suất, mua vào trái phiếu, bơm tiền ra thị trường…
Trước đó, vào cuối năm 2019, OECD lên tiếng cảnh báo, 36 nước thành viên không thể tiếp tục trông cậy vào tăng trưởng thần kỳ tại Trung Quốc, thay vào đó cần tận dụng thời điểm lãi suất ngân hàng rất thấp để tiến hành đầu tư, đồng thời chấm dứt các biện pháp tăng thuế nhập khẩu, ngừng áp dụng các biện pháp trợ giá gây cạnh tranh bất bình đẳng… Trong bối cảnh này, đã có không ít chuyên gia lên tiếng về việc kịch bản khủng hoảng 2008 sẽ tái diễn trong thời gian tới.
Chưa tới lúc bắt đáy?
Sau khi chỉ số Dow Jone và S&P 500 giảm khoảng 10% kể từ mức đỉnh trong vài ngày giao dịch trong tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đang quay về vị trí tương đương với thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng 1987 xảy ra.
Theo đó, các thành viên thị trường đang gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong phiên họp vào tháng 3.
Tuy nhiên, những lời cổ vũ “mua vào khi thị trường xuống đáy” không được rầm rộ như trước đây, thay vào đó, đa phần nghiêng về phía “không bắt dao rơi”.
Mohamed El-Erian, cố vấn cấp cao tại Allianz nhận định: “Dịch Covid-19 thực sự khác biệt. Nó sẽ khiến Trung Quốc tê liệt và càn quét trên quy mô toàn cầu. Quan trọng nhất, chính sách của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu là không đủ. Do đó, chúng ta nên thử kiềm chế ham muốn mua vào khi xuống đáy của mình”.
Cùng quan điểm, Sameer Samana, chiến lược gia cao cấp thị trường chứng khoán toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute cho rằng: “Thị trường đang đi xuống nhanh chóng, nhưng rất khó để nói đà giảm đã qua. Quá trình đi xuống đáy gồm nhiều bước khác nhau và nhiều khả năng chúng ta mới ở bước đầu”.
Diễn biến lao dốc nhanh chóng của các thị trường chứng khoán toàn cầu không khỏi khiến giới đầu tư toát mồ hôi nhớ tới sự kiện thứ hai đen tối (Black Monday) ngày 19/10/1987, khi chỉ số Dow Jone giảm 22%, S&P 500 giảm 20%.
Mark Rubinstein, giáo sư tài chính tại UC Berkeley chia sẻ, vào thời điểm năm 1987, thị trường đã bắt đầu đi xuống từ tháng 8, nhưng các chỉ số chỉ đã giảm khoảng 10% trong đúng 3 phiên giao dịch trước khi Black Monday xảy ra.
Nếu lịch sử lặp lại, thị trường chứng khoán hiện tại có thể còn có diễn biến tệ hơn thế.
Lam Phong/Theo báo chí nước ngoài