Những rủi ro lớn nhất đang dần qua đi
TTCK toàn cầu trong quý II/2018 đã có một đợt điều chỉnh mạnh mẽ trước sự thay đổi nhanh chóng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tính chất bất ổn định đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với Fed, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ khi giảm bảng cân đối tài sản khổng lồ với 4.500 tỷ USD chưa hề có tiền lệ trong lịch sử tài chính.
Đồng thời với đó là lộ trình tăng lãi suất dày đặc đã tác động lớn đến mặt bằng lãi suất và xu hướng dòng vốn toàn cầu khi áp lực rút vốn khỏi thị trường mới nổi và cận biên gia tăng trước ảnh hưởng mạnh lên của USD.
Sự tăng giá của USD khiến một số thị trường mới nổi và cận biên lao đao vì đồng nội tệ và thị trường chứng khoán (TTCK) cùng sụt giảm chóng mặt trước làn sóng rút vốn về chính quốc.
Trong đó, những quốc gia có thâm hụt cán cân vãng lai, thâm hụt thương mại và có vay nợ ngoại tệ lớn bằng đồng USD chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nga…
Cuộc khủng hoảng này có nhiều nét tương đồng với giai đoạn khủng hoảng tiền tệ 1997-1998, nhưng mang tính cục bộ rõ nét ở một khu vực nhất định.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng thông tin từ chiến tranh thương mại đã tác động rất lớn đến mức suy giảm và biến động TTCK toàn cầu trong quý II/2018 khi các thị trường lớn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt là Trung Quốc.
Tất cả những yếu tố trên đã tác động đến diễn biến TTCK Việt Nam trong quý II/2018.
Từ một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới trong quý I/2018, sang quý II, TTCK Việt Nam nằm trong Top giảm mạnh nhất. TTCK Việt Nam trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh từ vùng đỉnh 1.200 điểm xuống thấp nhất 884 điểm.
Về định giá, VN-Index giảm từ mức P/E (thị giá trên thu nhập mỗi cổ phần) khoảng 22 lần về vùng trung bình 2 năm gần nhất khoảng 16 lần.
Nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng do ảnh hưởng từ xu hướng quốc tế mặc dù lượng bán không quá lớn. Tỷ giá chịu áp lực căng thẳng, ảnh hưởng tới tâm lý của giới đầu tư.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đang dần qua đi khi áp lực rút vốn tại các thị trường đã có tín hiệu giảm bớt và đang dần chuyển qua mua ròng trong những tuần gần đây khi mức giảm sâu của nhóm thị trường mới nổi đã thu hút dòng vốn quay trở lại.
Cuộc chiến thương mại khả năng sẽ nghiêng về đàm phán nhiều hơn với kỳ vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận bước đầu vào tháng 9 và có thể kết thúc vòng đàm phán thành công đầu tiên trước tháng 11 (bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ).
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Sau một đợt rút vốn mạnh mẽ trên toàn khu vực thị trường cận biên và mới nổi, dòng vốn thường có xu hướng quay trở lại khi rủi ro của khu vực thị trường mới nổi giảm bớt, chọn lọc các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, thu hút vốn ngoại tốt, có thặng dư thương mại và quan trọng hơn là tỷ giá duy trì tương đối ổn định.
Trong đó, Việt Nam đang nổi lên nhờ có tốc độ tăng trưởng GDP nằm trong tốp cao nhất tại khu vực Đông Nam Á và châu Á với khả năng thu hút vốn FDI tốt, nền tảng vĩ mô (tỷ giá, lãi suất, lạm phát…) giữ ổn định.
Quan trọng hơn là Chính phủ Việt Nam tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK trong thời gian tới khi quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, chất lượng hàng hóa ngày càng được củng cố. Lợi nhuận của doanh nghiệp duy trì tăng trưởng, mặt bằng định giá giảm về mức tương đối hợp lý.
Tháng 8 tích cực, tháng 9 dự kiến phục hồi
Sau khi tạo đáy ở vùng hỗ trợ mạnh 884 điểm, chỉ số VN-Index tiếp tục nối dài chuỗi tăng điểm sang tuần thứ 6 liên tiếp, dần lấy lại những gì đã mất kể từ đầu năm với thanh khoản cải thiện.
Mặc dù tín hiệu tăng vẫn còn trong xu hướng nghi ngờ và giao dịch tương đối giằng co nhưng đến tuần giao dịch cuối tháng 8 đang cho thấy xu hướng tăng tiếp tục củng cố và chỉ số đang dần chinh phục các vùng kháng cự cao hơn.
Thứ nhất, về xu hướng dòng tiền, chúng tôi nhận thấy dòng vốn quốc tế bắt đầu có xu hướng mua ròng trở lại trên thị trường mới nổi trong tuần qua tại các thị trường như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil…Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, đã giảm 0,95% xuống 95,06.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ cũng tăng giá trở lại mức 6,80 đổi 1 USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6,93 trong tuần qua. Diễn biến này đã đã phần nào giảm áp lực lên tỷ giá các thị trường mới nổi và Việt Nam.
Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu giảm dần kể từ đầu tháng 8, từ mức trung bình trên 800 tỷ đồng xuống 250 tỷ đồng và tuần vừa qua, họ chỉ còn bán ròng gần 52 tỷ đồng trên HOSE.
Đây đang là tín hiệu khá tích cực hỗ trợ cho thị trường và chúng ta có thể kỳ vọng, xu hướng bán ròng sẽ chuyển sang mua ròng trong tháng 9 và các tháng tiếp tới, tạo tín hiệu tích cực cho thị trường.
Đối với thông tin trong nước, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã gửi 2 thông điệp quan trọng: Chính phủ đang điều hành nền kinh tế đúng hướng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường.
Thứ hai, Chính phủ tái khẳng định mục tiêu định hướng đưa TTCK Việt Nam vào thị trường mới nổi trong khoảng 2 năm tới và Chính phủ đang nỗ lực cải cách nhằm đạt được các tiêu chuẩn đó.
Đây là yếu tố mang tính động lực, quyết định với xu hướng dòng vốn và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới.
Về nội lực của doanh nghiệp niêm yết, quý II có thể nhận thấy một cách rõ nét đó là tăng trưởng lợi nhuận của các ngành, lĩnh vực chính rất tích cực.
Trong đó, mức tăng trưởng thu nhập trung bình của Top 10 ngân hàng lớn nhất trên sàn lên đến 31,4%, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình lên đến 74,3%.
Dẫn đầu nhóm có lợi nhuận tăng trưởng đột biến gồm VIB tăng 200%, ACB tăng 150%, HDBank tăng 134%, TPBank tăng 112%, Techcombank tăng 90%, VCB tăng 52,7%, MBB tăng 52%…
Đối với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp đầu ngành điển hình như DXG lãi ròng đạt 432 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ và hoàn thành 40% kế hoạch kinh doanh năm. PDR ghi nhận 240,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt mức tăng trưởng 91% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực như hàng tiêu dùng và bán lẻ với các cổ phiếu đầu ngành như PNJ, MWG có tốc độ tăng trưởng khá tốt. PNJ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 6 tháng lần lượt 7.356 tỷ đồng (+34% yoy) và 517 tỷ đồng (+37% yoy); MWG tăng 43% doanh thu và 44% lợi nhuận sau thuế…
Những yếu tố tích cực nêu trên sẽ là điểm tựa trung hạn và là câu chuyện riêng có của TTCK Việt Nam trong những năm tới.
Thị trường đang trong xu hướng sideway up (vừa tăng, vừa tích lũy), đã vượt đường trung bình 50 ngày và ở trên đường xu hướng (trendline) ngắn hạn nối 2 đính tháng 5 và tháng 6. Đồng thời, thị trường đã tạo được các vùng đệm trong quá trình đi lên ở 960 điểm.
Do đó, mức hồi phục hiện tại đang tạo ra đà tăng giá khá ổn định khi được nâng đỡ bởi sự trở lại của dòng tiền và thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Về xu hướng, VN-Index sẽ đối mặt với vùng kháng cự quan trọng 990 điểm – 1.000 điểm trong tuần cuối của tháng 8.
Chúng tôi cho rằng, với những tín hiệu kỹ thuật đang ủng hộ xu hướng tăng của thị trường với 6 tuần tăng liên tiếp vừa qua và những yếu tố bên ngoài đang ủng hộ, VN-Index có thể vượt mốc 1.000 điểm.
Tuy nhiên, việc kiểm tra lại (test) mốc điểm tâm lý này sẽ cần nhiều thời gian cũng như cần có sự đồng thuận của dòng tiền nói chung và các nhóm cổ phiếu nói riêng.
Thị trường đã kết thúc giai đoạn phục hồi để chuyển sang giai đoạn tăng trưởng kể từ đầu năm, các tín hiệu kỹ thuật cũng đang ủng hộ xu hướng tăng điểm. Mục tiêu sau khi vượt 1.000 điểm, thị trường sẽ có thể có giai đoạn tăng tốc mạnh hơn và trở lại vùng kháng cự cao hơn 1.050 – 1.080 điểm.
Về chiến lược đầu tư, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chọn lọc cổ phiếu nhiều hơn, hướng đến nắm giữ cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng tốt và kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm khả quan.
Đồng thời, bối cảnh thị trường tăng chậm và đi ngang dễ khiến nhà đầu tư mua cổ phiếu và chốt lời ngay khi vừa có lãi. Tuy nhiên, chiến lược hiệu quả hơn trong ngắn hạn là mua và nắm giữ ở vùng thấp và lên vùng kháng cự cao hẳn mới bán ra.
Về các nhóm ngành tiềm năng, trong giai đoạn cuối năm, MBS dành sự quan tâm đối với ngành ngân hàng (VCB, MBB, ACB,), chứng khoán (SSI, HCM, MBS), bất động sản và xây dựng (DXG, NLG), tiêu dùng – bán lẻ (MWG, PNJ, DGW), vật liệu xây dựng (VCS, HPG), công nghệ (FPT), sản xuất điện (REE, NT2, POW)…
Đối với TTCK phái sinh, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên xem xét mở vị thế mua các hợp đồng dài hạn (tháng 12, tháng 3/2019) và ưu tiên nắm giữ khi thị trường cơ sở đang bước vào xu hướng tăng kéo dài tính bằng đơn vị tháng.