Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có 47 trong số 53 doanh nghiệp thuộc danh mục mà công ty này phụ trách (tương đương 80 tỷ USD vốn hóa thị trường), đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2018. Trong đó, có 24 công ty ghi nhận kết quả tốt hơn kỳ vọng, 12 công ty đang bám sát kỳ vọng và phần còn lại hoạt động kém hiệu quả.
Ở mặt nào đó, kết quả trên cho thấy giá cổ phiếu hiện đã phản ánh đầy đủ ngay cả khi kết quả kinh doanh quý II năm nay tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là chưa kể báo cáo tài chính trên chưa được kiểm toán, bởi sau khi kiểm toán, một số cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu nhỏ có thể chuyển từ tích cực thành tiêu cực.
Đây là tình hình thường xuất hiện với một số doanh nghiệp niêm yết kém hiệu quả vì tỷ suất lợi nhuận đang có xu hướng quay trở lại mức trung bình ở tất cả các ngành. Phải nhận thấy rằng, niềm tin của nhà đầu tư đang bị thử thách khi biến động thị trường trong nước và thế giới diễn ra phức tạp.
Thứ nhất, sau quý I tăng nhanh nhất thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam quý II lại có mức giảm mạnh nhất với mức giảm gần 20%. Thứ hai, thị trường chứng khoán thế giới cùng thời điểm cũng tuột dốc do ảnh hưởng bởi thông tin cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy và bất ổn cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Rõ ràng thị trường sẽ không thể đi lên khi cổ phiếu niêm yết của một số ngành chủ chốt lao dốc. Trong số các ngành, dầu khí là nhóm vốn hóa lớn, có khả năng dẫn dắt thị trường thì nay là ngành hoạt động kém hiệu quả trong nửa đầu năm 2018. Kết quả kinh doanh tồi tệ nhất với mức giảm hơn 91% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm này, chỉ có một số cổ phiếu ngành dầu khí có thể xem xét đầu tư như PVS và PXS vì có số dự án lớn được khởi công vào năm 2019.
Cụ thể, theo VDSC, PXS có thể lỗ trong năm 2018 với mức sụt giảm 22% doanh thu. Nhưng từ năm 2019 công suất hoạt động của PXS sẽ được lấp đầy với các hợp đồng mới từ các dự án nhà máy lọc dầu Long Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt, Điện Gió tại Việt Nam và Đài Loan, các dự án ngoài khơi lớn như khối B và Sư Tử Trắng giai đoạn 2. Điều này sẽ giúp cải thiện doanh thu và lợi nhuận gộp của công ty.
PVS cũng có lợi nhuận ròng 2018 được dự báo giảm khoảng 10% – 20% so với cùng kỳ, nhưng PVS đã quyết định chấm dứt mảng khảo sát vào năm 2018. Đây là quyết định giúp PVS tránh khỏi bị lỗ trong năm 2019. Bên cạnh đó, ngoài các dự án dầu và khí lớn, PVS có khả năng nhận được nhiều hợp đồng nhờ vị thế dẫn đầu trong phân khúc dịch vụ cơ khí và xây lắp.
Tương đồng với dầu khí, cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 38% trong quý II, có vẻ như kết quả quý II không tốt bằng quý I. Hiện có nhiều luồng ý kiến trái chiều và cho rằng môi trường kinh doanh của ngành Ngân hàng sẽ kém thuận lợi hơn trong nửa cuối năm 2018 và ít có khả năng giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt như giai đoạn đầu năm…
Theo công ty chứng khoán KIS, VN-Index đã điều chỉnh giảm hơn 25% sau khi xác lập đỉnh lịch sử mới 1.211 điểm vào đầu tháng 4/2018. Cùng với đó, giá trị giao dịch trung bình phiên giảm còn khoảng 4.400 tỷ đồng/phiên trong quý II/2018, so với mức 6.000 tỷ đồng/phiên trong quý I/2018. Thị trường phải từ tháng 10 trở đi mới có thể khởi sắc hơn và kết thúc năm 2018 tốt đẹp. Trong thời gian chờ đợi, nhà đầu tư cần phải tăng tỷ trọng tiền mặt và đánh giá lại danh mục đầu tư sao cho hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia Công ty chứng khoán của KIS nhấn mạnh, bên cạnh những yếu tố tiêu cực thì thị trường vẫn đang bộc lộ điểm hấp dẫn, đó là VN-Index đang cho thấy dấu hiệu tích lũy ở mặt bằng hấp dẫn. Ở mức định giá hiện tại, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức 17 lần, tương đương với các chỉ số chứng khoán trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Nếu loại trừ những mã vốn hóa lớn ra, VN-Index đang có mức P/E khoảng 14,3 lần, mức này khá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.