Diễn biến những phiên gần đây trên HSX cho thấy sự tham gia của dòng tiền với quyết tâm thúc đẩy sự đi lên của chỉ số. Một số phiên giữa tuần trước, khi sự hưng phấn của thị trường có phần chùng xuống thì nhóm “tứ trụ” của VN-Index đảm nhận vai trò duy trì sắc xanh cho chỉ số.
Sự chuyển hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ chuỗi ngày đi ngang lình xình tới khi bật tăng mạnh mẽ diễn ra đồng thời với những tín hiệu tích cực đến từ phía chính sách tiền tệ. Đã có hơn 12.300 tỷ VND công bố chính thức sẽ được các ngân hàng thương mại giải ngân trong chương trình ưu đãi lãi vay từ 17 – 19%/năm, không tính tới việc nhiều ngân hàng khác không công bố khoản tiền sẽ được giải ngân nằm trong gói lãi suất cho vay ưu đãi trong thời gian tới. Con số hơn 12.300 tỷ VND được các ngân hàng công bố kể trên phản ánh chưa đầy đủ lượng tiền sẽ được cung cấp với mức lãi suất ưu đãi ra nền kinh tế và có thể nói không hề lớn nếu so với quy mô hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhưng đây là những kích thích cần thiết cho nền kinh tế trong bối cảnh các thành phần đã trải qua một thời gian dài phải gánh chịu mức lãi suất cao, trung bình từ 21 – 24%/năm.
Tuy vậy, để những thay đổi trên thị trường tiền tệ được chuyển hóa thực sự vào nền kinh tế, sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và thực tế kiểm chứng khi khả năng tiếp cận nguồn vốn này vẫn đang chịu sự hạn chế của các ngân hàng. Do đó, việc thị trường chứng khoán tăng mạnh trong hai tuần trở lại đây, chỉ một phần xuất phát từ phản ứng tích cực với chuyển biến chính sách, nhưng yếu tố chi phối nhiều hơn, chính là dòng tiền hiện hữu được tập trung đẩy mạnh vào thị trường những phiên gần đây.
Phiên hôm nay, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng phiên thứ 12 liên tiếp, cộng thêm 3,01 điểm (+0,65%) lên 462,93 điểm. Thanh khoản tăng hơn 10% so với phiên cuối tuần qua, đạt 52,17 triệu đơn vị, tương ứng với mức tăng hơn 20% về giá trị, 862,82 tỷ VND. Sàn HSX chứng kiến 60 mã tăng trần/ 144 mã tăng so với 15 mã giảm sàn/ 96 mã giảm.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index với 150 mã tăng trần/ 263 mã tăng so với 12 mã giảm sàn/ 42 mã giảm cũng ghi nhận mức tăng 1,75 điểm (2,28%), đóng cửa ở 78,53 điểm. Khối lượng chuyển nhượng trên sàn này đạt 67,39 triệu đơn vị tương ứng 806,7 tỷ VND về giá trị.
Cổ phiếu Ngân hàng và Bất động sản dẫn đầu mức giảm trên thị trường trong phiên này, với nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 1,7% trong khi cổ phiếu Bất động sản cũng đi xuống 1,5%. Ngược lại, nhóm cổ phiếu Bảo hiểm và Thực phẩm & đồ uống nhờ mức tăng trần của BVH và MSN, tăng mạnh nhất trong nhóm các cổ phiếu chủ chốt.
Cổ phiếu Bất động sản và Ngân hàng trong tuần trước thuộc nhóm tăng mạnh nhưng tuần này đã chứng kiến sự chững lại, khi hoạt động cơ cấu danh mục được thực hiện quyết liệt.
Việc chứng khoán liên tục tăng cao trong những ngày qua đẩy giới đầu tư vào việc nghi ngờ, liệu đây đã phải thời điểm thị trường phục hồi và bứt phá hay mới chỉ là đợt tăng “nóng” do dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức trong nỗ lực cơ cấu danh mục, kéo theo những rủi ro lớn đi kèm cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ gia nhập trị trường trong thời điểm này?
Do đó, sẽ cần nhiều hơn những tín hiệu trên thị trường tiền tệ để có thể khẳng định được liệu thị trường đã thực sự tăng trưởng bền vững!