Trước đây, thị trường luôn bị tác động không tốt bởi thông tin vĩ mô nhạy cảm, như giá xăng dầu tăng, chỉ số CPI cao… Giờ đây, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, lãi suất giảm, NĐT quan tâm trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của các DN niêm yết trên sàn.
Tung hoành trên thị trường
Trong tuần trước, sau khi được chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1, cổ phiếu ITA của Tập đoàn Tân Tạo chính thức tăng trần. Mới đây, khi giới truyền thông đưa tin về việc Tập đoàn Tân Tạo chính thức làm việc với Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) về dự án này, ngay lập tức, NĐT ồ ạt mua vào, đẩy ITA từ mức lình xình, sang tăng vọt lên mức trần với thanh khoản lên tới 18,6 triệu cổ phiếu.
Trong bối cảnh thị trường tăng, chỉ cần các thông tin chưa có gì là chính thức nhưng giới “thợ săn” dựa vào đó để gây bão, đẩy giá lên cao, kéo theo hiệu ứng đua mua lan tỏa ra các NĐT khác.
Cổ phiếu gây sốc nhất trong phiên ngày 19/3 là SHB trên sàn HNX. Hơn 31,4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh ghi dấu ấn kỷ lục mới từ trước tới nay, đứng ở mức giá trần 11.100 đồng/cổ phiếu. Mức khớp lệnh này chiếm 25% khối lượng giao dịch toàn HNX.
Trong phiên, cổ phiếu SHB đang bị khối ngoại ồ ạt xả ra khi bán ròng tới hơn 6,3 triệu đơn vị. Để mua hết lượng cổ phiếu cần lượng tiền khủng, khoảng 336 tỷ đồng, nhưng với những cổ phiếu nóng, tiền không phải là vấn đề lớn.
Trong những phiên vừa qua, những tay chơi lớn muốn tạo hiệu ứng lan tỏa của dòng tiền thường gom mạnh khi giá xuống, sau đó đặt lệnh mua lớn hàng triệu cổ phiếu để tạo niềm tin cho NĐT khác vào hàng. Một số cổ phiếu đầu cơ tuyệt đối đang được đánh lên như KLS, ITA hay SHB… luôn có những lệnh mua lớn lên tới hàng triệu cổ phiếu để thu hút NĐT tham gia mua vào. SHB cũng được lệnh khủng hơn 3 triệu cổ phiếu sát mức giá trần buộc NĐT muốn mua vào ở mức cao hơn. NĐT vẫn tăng tỷ trọng cổ phiếu trong thời điểm thị trường yếu, ưu tiên cổ phiếu cơ bản tốt, có thông tin tích cực. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nóng nào cũng có thể vụt tăng khi có tin tốt được công bố.
Chứng khoán đã bùng nổ trở lại, bất chấp thông tin giá xăng bất ngờ tăng gần 200 đồng/lít
Cổ phiếu FDC được trả cổ tức cao 30% nhưng giá cũng không thể tăng mạnh. Một cổ phiếu nóng “nhì sàn”, là FLC, với thông tin là cổ đông nội bộ sẽ đồng loạt mua vào, nhưng vẫn không thể tăng. Có lẽ cổ phiếu này đã qua thời nóng bỏng, NĐT đang mang tiền tìm kiếm cổ phiếu mới để đánh lệnh. Với những hỗ trợ tích cực của dòng tiền và các cổ phiếu dẫn dắt trên, cả 2 sàn, đặc biệt là sàn HNX, đã thực sự bùng nổ trong phiên giao dịch chiều, cả về điểm số và thanh khoản. Các chuyên gia kinh tế nhận định, chứng khoán Việt Nam như một “nam châm mới” thu hút các NĐT. Dù giá đã tăng mạnh, nhưng chứng khoán Việt Nam còn tương đối rẻ so với các thị trường khác trong khu vực. Cho nên NĐT vẫn nhập tiền mạnh mẽ vào thị trường.
Tín hiệu tích cực
Trong 2 tháng qua, khối ngoại cũng mua cổ phiếu trị giá hơn 133 triệu USD. Triển vọng của chứng khoán vẫn còn rất lớn khi việc nâng room sẽ còn là chất xúc tác cho TTCK. Cùng với đó, quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự định ký kết trong năm nay sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam. Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng TTCK phái sinh để hỗ trợ tâm lý cho NĐT, nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán, tạo điều kiện lan tỏa ra cả thị trường chung.
Việc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý nợ xấu, một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết điểm nghẽn quan trọng của nền kinh tế, xuất khẩu tiếp tục tăng…
Ngày 19/3, thị trường chứng khoán đón nhận thông tin Quỹ quản lý dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD của Thủ tướng Singapore đã đến Việt Nam. Và ngay trong ngày, PAN công bố phát hành thành công hơn 20 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ, thu về xấp xỉ 650 tỷ đồng và có sự tham gia rót vốn của quỹ này.
Có lẽ, đây cũng là thông tin tích cực tác động mạnh vào tâm lý dòng vốn ngoại rót vào thị trường của NĐT. Sau đợt phát hành này, Pan Pacific có thêm 2 cổ đông ngoại mới đến từ Singapore là GIC Private Ltd nắm 4,7% cổ phần và TAEL Partners nắm giữ 20% cổ phần.
Tương tự như Temasek, GIC là một kênh đầu tư của Chính phủ Singapore, với số tài sản đang quản lý đạt hơn 100 tỷ USD. Theo một số nguồn tin không chính thức, GIC đã đầu tư vào FPT khi quỹ Orchid Capital Investment thoái vốn năm ngoái.
Trong những phiên vừa qua, khối ngoại vẫn có xu hướng bán ròng thì dòng tiền của NĐT trong nước chủ động dẫn dắt đẩy thị trường tăng cao. Điều đó chứng tỏ dòng tiền của NĐT trong nước là vô cùng lớn, đủ sức đưa thị trường lên mức giá cao mới.
Chứng khoán sẽ báo hiệu, đo chính xác tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới. Việc tăng giao dịch và tăng điểm tập trung vào cổ phiếu, chứng khoán, bất động sản, quyết tâm đưa cổ phiếu giá trị thấp vượt qua mệnh giá là xu hướng chung của thị trường.