Điển hình như phiên giao dịch hôm 21/6, sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM chỉ chứng kiến 94 triệu cổ phiếu giao dịch thành công và là mức thấp nhất trong vòng 1 năm rưỡi qua. Điều đó phần nào cho thấy tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay.
Có một số lý do giải thích cho sự trầm lắng này. Đó có thể là việc tăng trưởng chậm hơn của thị trường bất động sản và xây dựng, lạm phát tăng cao hơn. Nhất là quan ngại mới về một cuộc chiến thương mại đang manh nha giữa các cường quốc, có thể gây ra tác động tiêu cực đến viễn cảnh tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị khoảng 50 tỷ USD, Trung Quốc đã ngay lập tức trả đũa với việc tăng thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa tương đương nhập từ Mỹ. Không đứng ngoài cuộc chiến, Liên minh kinh tế châu Âu (EU) tuyên bố sẽ áp thuế 25% vào một loạt các sản phẩm của Mỹ để đáp lại hành động tăng thuế của chính quyền Donald Trump vào các sản phẩm thép và nhôm từ châu Âu mới đây.
“Những lo ngại trong mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung Quốc kéo theo nhiều hệ lụy với tốc độ tăng trưởng ở châu Á cũng như lợi nhuận của các tập đoàn”, hãng Morgan Stanley nhận định.
Việt Nam một quốc gia có độ mở của nền kinh tế khá lớn nên ít nhiều sẽ chịu tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, việc các NHTW lớn trên thế giới thắt chặt lại tiền tệ, đặc biệt là Fed đang đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cũng là vấn đề gây đau đầu khi có thể kéo dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.
Trên thực tế, khối ngoại đã liên tục bán ròng trong thời gian gần đây, mặc dù quy mô bán ròng của họ không phải lớn nếu so với các thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên theo các công ty chứng khoán, chủ yếu do hoạt động chốt lời và cơ cấu lại danh mục đầu tư chứ không phải là động thái rút vốn của khối ngoại.
Không chỉ thế, VN-Index thâm chí sẽ còn chịu thêm áp lực duy trì ngưỡng hiện nay khi sắp tới đây, một lượng lớn cổ phiếu sẽ tiếp tục đổ bộ vào thị trường từ những thương vụ IPO đã được lên kế hoạch từ trước của các công ty nhà nước như Viglacera, Vinalines… “Xu hướng giảm vẫn đang là chủ đạo và các nhịp hồi phục vốn không kéo dài sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Một báo cáo đáng chú ý gần đây là thống kê tính đến ngày 19/6 của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVS), trong tổng số 896 mã chứng khoán đang giao dịch tập trung tại 2 sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, TP.HCM và sàn UPCoM, có tới 505 mã có chỉ số thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) nhỏ hơn 1, tức tương đương với hơn 56% số lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường có giá thấp hơn giá trị sổ sách.
Như vậy, việc điều chỉnh của thị trường không những giúp một số mã tăng nóng thời gian qua phần nào quay lại mặt đất mà còn giúp thị trường cân bằng hơn, khi nhiều khả năng, dòng tiền sẽ chuyển dịch từ các mã có mức vốn hóa lớn ở các doanh nghiệp tiềm năng khác nhỏ hơn nhưng đang có mức giá hấp dẫn.
Không ít các cổ phiếu ít tên tuổi nhưng kết quả kinh doanh và tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt khá cao. Điển hình như cổ phiếu GIL của Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh. GIL đang có thị giá chỉ là 40.500 đồng trong khi giá trị sổ sách lên đến hơn 43.000 đồng. Tỷ lệ chia trả cổ tức của doanh nghiệp này các năm gần đây luôn duy trì ở mức 25%, thậm chí lên đến 100% như năm 2015.
Hay trường hợp cổ phiếu TTT của Công ty cổ phần Du lịch thương mại Tây Ninh. Cổ phiếu TTT đang thị giá khoảng 50.000 đồng nhưng giá trị sổ sách lên đến 55.000 đồng. Đây cũng là cổ phiếu có mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu rất ấn tượng, với mức lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2017 là 36,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ chỉ là 45 tỷ đồng.